Home Tin tức Nội thất Kiến thức chuyên ngành Kim ngạch xuất nhập khẩu đồ gỗ nội thất của Việt Nam năm 2020

Kim ngạch xuất nhập khẩu đồ gỗ nội thất của Việt Nam năm 2020

Kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ nội thất Việt Nam năm 2020

Năm 2020 mặc dù chịu tác động lớn của tình hình dịch bệnh Covid-19 và ảnh hưởng của thương chiến Mỹ-Trung. Nhưng cũng là một năm ngành gỗ nội thất của Việt Nam đạt được nhiều thành tựu lớn chưa từng có, với kim ngạch xuất khẩu đạt kỷ lục mới là 12,37 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu khoảng 2,55 tỷ USD. Qua đó đẩy thặng dư xuất nhập khẩu của ngành đồ gỗ nội thất lên tới gần 10 tỷ USD.

Đặc biệt ấn tượng khi lần đầu tiên Việt Nam “vượt mặt” Trung Quốc để trở thành quốc gia xuất khẩu đồ gỗ nội thất lớn nhất vào thị trường Mỹ. Với 7,405 tỷ USD, nhỉnh hơn một chút so với của Trung Quốc là 7,331 tỷ USD. Ở nhiều thị trường chủ lực khác như Úc, Canada, HongKong chúng ta cũng có sự tăng trưởng mạnh về kim ngạch xuất khẩu. Trong khi các thị trường truyền thống như EU, Nhật Bản, Trung Quốc…có sự giảm nhẹ so với 2019.

Để bạn đọc có cái nhìn chi tiết hơn, trong bài viết này TOPnoithat xin giới thiệu tổng quan về tình hình xuất nhập khẩu của ngành gỗ nội thất Việt Nam trong năm 2020. Sự so sánh với năm 2019 và các năm trước đó. Đi sâu phân tích về các mặt hàng chính cũng như các thị trường. Đồng thời đưa ra các nhận định về rủi ro và thuận lợi trong xuất nhập khẩu năm 2021 của ngành gỗ nội thất Việt Nam.

Kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ nội thất Việt Nam năm 2020

Năm 2020 là năm thứ hai liên tiếp (2019, 2020) ngành gỗ nội thất của Việt Nam đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Các thị trường xuất khẩu cũng ngày càng được đa dạng hóa, tuy nhiên Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước châu Âu vẫn là 5 thị trường chính của chúng ta. Dưới đây là biểu đồ chi tiết thể hiện kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ nội thất Việt Nam trong 10 năm trở lại đây.

Kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ nội thất Việt Nam 2020 và qua các năm gần đây
Biểu đồ tổng hợp kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ nội thất của Việt Nam trong 10 năm trở lại đây

– Tổng quan về tình hình xuất khẩu đồ gỗ nội thất 2020

Giá trị xuất khẩu năm 2020 của ngành tiếp tục thiết lập một kỷ lục mới, đạt 12,37 tỷ USD, tăng khoảng 17% so với năm 2019. Nếu so sánh với mốc 10 năm trước đó, tức năm 2010 thì giá trị xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam đã tăng tới gần 4 lần.

Trong năm 2020 cũng chứng kiến nhiều biến động về hoạt động sản xuất và xuất khẩu của ngành. Mở đầu quý 1 năm 2020 khi tình hình dịch bệnh Covid-19 bắt đầu tại Trung Quốc và xâm nhập vào Việt Nam. Ngành gỗ nội thất khi đó chưa bị ảnh hưởng nhiều về hoạt động sản xuất cũng như có sự kế thừa từ các đơn hàng đã ký. Tuy nhiên sang đến Quý 2 hoạt động sản xuất bắt đầu bị ảnh hưởng lớn (thực hiện cách ly toàn xã hội từ 1/4/2020 trên phạm vi toàn quốc), các nhà máy bị gián đoạn hoạt động, trước và sau đó cũng phải giảm giờ làm, cho công nhân nghỉ việc… Tình hình bắt đầu tốt hơn trong quý 3 và 4 nhờ thành tựu chống dịch hiệu quả đã “kéo lại” tốc độ tăng trưởng của ngành. Liên tục các tháng cuối năm, từ tháng 7-12, giá trị xuất khẩu đều đạt trên 1 tỷ USD.

Có thể kể ra một số yếu tố chính góp phần vào kết quả xuất khẩu tích cực của ngành gỗ nội thất trong năm 2020 như:

  • Năng lực chống dịch tốt của Việt Nam trong năm 2020 giúp ngành sản xuất đồ gỗ nội thất không bị ảnh hưởng nhiều tới hoạt động sản xuất và giao thương. Tạo lợi thế so với các đối thủ chính đang bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh. Tăng niềm tin từ các nhà đầu tư và đối tác nhập khẩu.
  • Xu hướng tăng trưởng xuất khẩu liên tục trong suốt 10 năm tạo động lực và sự mở rộng đầu tư không ngừng của các doanh nghiệp trong ngành. Đội ngũ doanh nghiệp doanh nhân ngày càng trưởng thành và lớn mạnh, đầu tư công nghệ hiện đại, mở rộng quy mô sản xuất, lợi thế cạnh tranh ngày càng tăng và các đơn hàng luôn được gối qua các năm…
  • Thương chiến Mỹ – Trung cũng là yếu tố tác động tích cực đến kết quả xuất khẩu của ngành, bởi Trung Quốc lâu nay vẫn là đối thủ lớn nhất của chúng ta về xuất khẩu đồ gỗ nội thất. Ngay như tại thị trường Mỹ thì lần đầu tiên chúng ta đã vượt qua Trung Quốc về giá trị xuất khẩu đồ gỗ nội thất vào đây. Năm 2020 Việt Nam xuất khẩu được khoảng 7,405 tỷ USD đồ gỗ nội thất vào Mỹ và xu hướng tăng dần sau mỗi năm. Trong khi ở chiều ngược lại, Trung Quốc năm 2020 chỉ xuất khẩu được 7,331 tỷ USD vào Mỹ và có xu hướng giảm dần trong những năm gần đây.

– Các thị trường xuất khẩu chính của ngành gỗ nội thất Việt Nam trong năm 2020

Dưới đây biểu đồ và bảng thể hiện rõ các thị trường chính của ngành gỗ nội thất Việt Nam năm 2020, cả về giá trị và tỷ lệ %.

Thị trường xuất khẩu đồ gỗ nội thất chính của Việt Nam trong năm 2020
Biểu đồ thể hiện các nước nhập khẩu nhiều đồ gỗ nội thất nhất từ Việt Nam trong năm 2020

Nhìn vào biểu đồ trên có thể thấy rõ Mỹ là thị trường chủ lực và lớn nhất trong hoạt động xuất khẩu sản phẩm gỗ nội thất của chúng ta. Chiếm đến 58% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Tiếp theo là các thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, các nước thành viên EU. Chỉ 5 thị trường trên đã chiếm tới 90% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ nội thất của Việt Nam trong năm 2020.

10 nước nhập khẩu nhiều đồ gỗ nội thất nhất từ Việt Nam năm 2020
Top 10 thị trường xuất khẩu đồ gỗ nội thất lớn nhất của Việt Nam năm 2020

Từ biểu đồ và bảng tổng hợp trên ta có thể thấy:

+ Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất của đồ gỗ nội thất Việt Nam trong năm 2020, chiếm tới 58% tổng kim ngạch xuất khẩu. Với giá trị khoảng 7,405 tỷ USD, tăng 31% so với năm 2019. Do chiếm một tỷ lệ khá lớn nên mỗi một % tăng giảm hay biến động từ thị trường này cũng sẽ tác động nhiều đến kết quả chung của toàn ngành.

Cụ thể hơn, năm 2020 trong 7,405 tỷ USD xuất khẩu đồ gỗ nội thất của Việt Nam thì tốc độ tăng trưởng của mặt hàng gỗ là 83% và đồ gỗ hỗn hợp tăng 43%; cung ứng gỗ tếch, gỗ cao su cũng đều tăng mạnh. Nội thất đồ gỗ hỗn hợp là mặt hàng đồ gỗ lớn nhất của Việt Nam sang Mỹ, với kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,9 tỷ USD, tăng 43% so với 2019. Mặt hàng ghế bọc khung gỗ cũng tăng tới 83% đạt 1,25 tỷ USD. Nhóm mặt hàng đồ gỗ uốn cong của Việt Nam còn ấn tượng hơn khi tăng tới 60 lần so với năm 2019.

Theo số liệu thống kê năm 2020, tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng đồ gỗ nội thất của Mỹ đạt khoảng 22,7 tỷ USD. Giảm 1% so với mức khoảng 23 tỷ USD của năm 2019 nhưng vẫn là rất lớn. Năm 2020 trong số 10 quốc gia xuất khẩu lớn nhất vào Mỹ thì Việt Nam vượt lên đứng đầu (chiếm khoảng 33%), vị trí thứ hai là Trung Quốc (chiếm khoảng 32%), Malaysia đứng thứ 3 với khoảng 6%, vị trí thứ 4 và 5 lần lượt thuộc về Canada và Mexico mỗi quốc gia chiếm khoảng 5%.

+ Nhật Bản là thị trường xuất khẩu đứng thứ 2 của Việt Nam trong năm 2020. Tuy nhiên có sự giảm nhẹ khoảng 3% so với năm 2019.

+ Thị trường Trung Quốc trong năm 2020 cũng có sự sụt giảm khoảng 3,7%, tương đương gần 45 triệu USD về giá trị. Khác với thị trường Mỹ hay Nhật Bản, chúng ta chủ yếu xuất sang trung quốc các sản phẩm gỗ mỹ nghệ (thành phẩm và bán thành phẩm) cùng các nguyên liệu gỗ tự nhiên quý.

+ Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của ngành gỗ nội thất Việt Nam trong năm 2020, với giá trị khoảng 817 triệu USD, tăng nhẹ khoảng 2% so với năm 2019.

+ Vị trí tiếp theo thuộc về EU (27 nước thành viên) và Anh Quốc . Tuy nhiên cả 2 thị trường này đều có sự sụt giảm khá mạnh so với năm 2019, một nguyên nhân lớn đến từ tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến khá phức tạp tại châu Âu trong năm vừa qua.

– Điểm qua các mặt hàng xuất khẩu chủ lực và sự biến động

Trong năm 2020 và những năm gần đây có một sự tiến bộ lớn về cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu của ngành gỗ nội thất Việt Nam. Chúng ta đã tăng đáng kể hàm lượng các sản phẩm tinh, sản phẩm nội thất hoàn thiện, có hàm lượng kỹ thuật cao và từ đó chinh phục được những khách hàng khó tính ở cả ở thị trường Mỹ, Châu Âu hay Nhật Bản. Biểu đồ dưới đây thể hiện cơ cấu các nhóm mặt hàng xuất khẩu chính.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của ngành đồ gỗ nội thất Việt Nam năm 2020
Biểu đồ các nhóm hàng xuất khẩu chính của ngành gỗ nội thất Việt Nam trong năm 2020 (ĐVT: triệu USD)
top 5 nhóm mặt hàng xuất khẩu lớn nhất năm 2020 của ngành gỗ nội thất Việt Nam
Bảng chi tiết 5 nhóm mặt hàng xuất khẩu lớn nhất

+ Đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu gỗ nội thất năm 2020 là nhóm mặt hàng đồ gỗ nội thất. Bao gồm: Sản phẩm nội thất khác, bộ phận đồ gỗ, nội thất phòng bếp, nội thất phòng ngủ, nội thất văn phòng – trừ Ghế ngồi.

Với giá trị xuất khẩu của nhóm mặt hàng này đạt khoảng 5,879 tỷ USD, chiếm 49% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành. Tăng khoảng 22% so với năm 2019. Trong đó thị trường xuất khẩu chính là Mỹ (chiếm khoảng 74%), Nhật Bản (7%), Hàn Quốc (3%), Úc, Anh… Đặc biệt là thị trường Mỹ có sự tăng trưởng mạnh 33% so với năm 2019 với nhóm mặt hàng này, đạt giá trị khoảng 4,3 tỷ.

+ Nhóm mặt hàng Ghế ngồi (gồm ghế bọc đệm, ghế song mây, ghế khác, bộ phận ghế, khác) đứng vị trí thứ 2, đạt giá trị xuất khẩu 2,67 tỷ USD, chiếm khoảng 22% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Tăng mạnh khoảng 32% so với năm 2019.

Như vậy nếu chỉ xét 2 nhóm ngành trên thì đã chiếm trên 80% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đây đều là những sản phẩm tinh, hoàn thiện hoặc bán thành phẩm có giá trị kinh tế cao. Nó cho thấy một sự dịch chuyển theo hướng tích cực về cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của ngành gỗ nội thất Việt Nam. Không chỉ đơn thuần là xuất khẩu gỗ nguyên liệu, sản phẩm thô như trước kia.


Kim ngạch nhập khẩu ngành gỗ nội thất Việt Nam 2020

Trong năm 2020 tổng kim ngạch nhập khẩu của ngành gỗ nội thất đạt khoảng 2,554.7 tỷ USD. Chỉ nhích nhẹ một chút so với mức 2,549.5 của năm 2019. Như vậy xét về cán cân xuất nhập khẩu thì ngành gỗ nội thất Việt Nam có thặng dư lớn, khoảng gần 10 tỷ USD. Trong đó chủ yếu tập trung vào nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất (gỗ tròn, gỗ xẻ) và thị trường nhập khẩu chính vẫn là Trung Quốc và các nước châu Phi.

– Tổng quan về kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm 2020

Kim ngạch nhập khẩu của ngành gỗ nội thất Việt Nam năm 2020 và các năm gần đây
Biểu đồ thể hiện tổng giá trị nhập khẩu của ngành gỗ nội thất Việt Nam năm 2020 và các năm gần đây

– Các thị trường nhập khẩu chính của ngành gỗ nội thất trong năm 2020

Ngành gỗ nội thất Việt Nam nhập khẩu chính từ những nước nào trong năm 2020
Các thị trường nhập khẩu chính của ngành gỗ nội thất Việt Nam năm 2020 (Triệu USD, %)

+ Trung Quốc: là quốc gia dẫn đầu trong danh sách nguồn nhập khẩu của ngành gỗ nội thất năm 2020. Với giá trị khoảng 846 triệu USD, chiếm 33% tổng kim ngạch nhập khẩu. Điều đáng lưu ý là giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc đều tăng mạnh trong 4 năm trở lại đây. Nếu như năm 2017 nhập từ Trung Quốc chỉ 383 tr.USD (ít hơn cả nhập từ Châu Phi là 493.7 tr.USD), thì đã tăng mạnh liên tục với năm 2018 nhập 462 tr.USD, năm 2019 nhập 661 tr.USD và lên đỉnh năm 2020 nhập 846 tr.USD.

Trong đó mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu gồm Gỗ dán (khoảng 204 trUSD), Ván bóc/ván lạng (gần 170 trUSD), Đồ gỗ (khoảng 158 trUSD), Ghế ngồi (khoảng 139 trUSD).

+ Châu Phi: đứng thứ 2 về nguồn nhập khẩu của ngành gỗ nội thất Việt Nam trong năm 2020. Với giá trị nhập khẩu khoảng 374 triệu USD, chiếm 15% tổng kim ngạch nhập khẩu. Nếu đối chiếu số liệu trong 4 năm trở lại đây thì giảm cả về giá trị và tỷ lệ %. (Năm 2017 nhập từ Châu Phi 493,7 trUSD, năm 2018 nhập 515,6 trUSD, năm 2019 nhập 493,9 trUSD, năm 2020 nhập 374 trUSD). Trong đó chủ yếu nhập khẩu gỗ tròn và gỗ xẻ, đặc biệt là gỗ tự nhiên nguyên sinh như Lim, Dổi…

+ Mỹ: đứng vị trí thứ 3, trong năm 2020 Việt Nam nhập khẩu khoảng 321 triệu USD, chiếm khoảng 13% tổng kim ngạch nhập khẩu toàn ngành gỗ nội thất. Trong đó chủ yếu nhập khẩu gỗ xẻ (khoảng 221 trUSD) và gỗ tròn (khoảng 71,6 trUSD). Tuy nhiên do đặc thù riêng nên gỗ tròn và gỗ xẻ mà Việt Nam nhập khẩu từ Mỹ đa phần là gỗ tự nhiên rừng trồng như Sồi, Tần Bì, Óc chó, Thông…dạng nguyên cây (gỗ tròn) hay dạng xẻ thành khí đã được tẩm sấy có tiêu chuẩn chất lượng cao phục vụ cho đóng đồ nội thất.

– Điểm qua các mặt hàng nhập khẩu chính

Các mặt hàng nhập khẩu chính của ngành gỗ nội thất Việt Nam trong năm 2020
Biểu đồ thể hiện các nhóm mặt hàng chính được nhập khẩu nhiều trong năm 2020 của ngành gỗ nội thất Việt Nam

Biểu đồ trên cho thất gỗ xẻ và gỗ tròn vẫn là 2 nhóm mặt hàng nhập khẩu chính, chiếm tới gần 55% tổng kim ngạch nhập khẩu toàn ngành. Tiếp đến là Ván bóc/ván lạng, Gỗ dán, Ván sợi, Đồ gỗ và Ghế ngồi đều là các nhóm mặt hàng có giá trị nhập khẩu trên 100 triệu USD.

Cụ thể:

  • Gỗ xẻ: trong năm 2020 Việt Nam nhập khẩu khoảng 2,5 triệu m3 với giá trị khoảng 842 triệu USD. Chiếm khoảng 33% tổng kim ngạch nhập khẩu, giảm nhẹ so với năm 2019 (khoảng 927,8 triệu USD). Trong đó các quốc gia mà Việt Nam nhập khẩu Gỗ xẻ chính như: Mỹ (221,8 triệu USD), Cameroon (69 triệu USD), Chile (65 triệu USD), Lào (53,4 triệu USD), Braxin (52,7 triệu USD), Nga (44,6 triệu USD), New Zealand (43,5 triệu USD), Trung Quốc (32 triệu USD),…
  • Gỗ tròn: khối lượng nhập khẩu trong năm 2020 ước khoảng hơn 2 triệu m3, với giá trị đạt 563 triệu USD, chiếm khoảng 22% tổng kim ngạch nhập khẩu của ngành. Giảm khoảng 13% so với năm 2019 (649,6 triệu USD). Trong đó chủ yếu nhập từ các nước như Cameroon (147 triệu USD), Đức (78 triệu USD), Pháp (73 triệu USD), Mỹ (71,6 triệu USD), Bỉ (41 triệu USD), Quốc đảo Papua New Guinea (40 triệu USD), Cộng hòa Suriname (102 ngàn USD), Công gô (64 ngàn USD)…
  • Gỗ dán: là nhóm mặt hàng nhập khẩu có giá trị lớn thứ 3 trong năm 2020, với hơn 600 nghìn m3, đạt giá trị 227 triệu USD. Trong đó Trung Quốc là nguồn nhập khẩu lớn nhất với 204 triệu USD chiếm gần 90% tổng giá trị nhập khẩu gỗ dán của toàn ngành, tiếp đến là Indonesia với 9,2 triệu USD, Nga với 5,4 triệu USD, Malaysia khoảng 1 triệu USD và các nước khác.
  • Ván bóc/ván lạng: khối lượng nhập khoảng 276 nghìn m3, tương ứng với 208 triệu USD.
  • Ván sợi: trong năm 2020 nhập khoảng 745 nghìn m3, tương ứng với 189 triệu USD.
  • Đồ gỗ: đạt giá trị nhập khẩu khoảng 188 triệu USD. Trong đó có sự tăng đột biến của mặt hàng “bộ phận đồ gỗ” với 146,5 triệu USD, chủ yếu được nhập từ thị trường Trung Quốc. Các mặt hàng nội thất văn phòng, nội thất phòng ngủ, nội thất phòng bếp đều giảm mạnh nhập khẩu trong năm 2020.
  • Ghế ngồi: giá trị nhập khẩu khoảng 163 triệu USD.
  • Ván dăm: giá trị nhập khoảng 85 triệu USD
  • Và các mặt hàng khác.

Những rủi ro và cơ hội cho ngành gỗ nội thất Việt Nam trong năm 2021

– Các rủi ro chính trong năm 2021

+ Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở trong nước. Cuối tháng 4/2021 chúng ta đang chứng kiến một đợt Covid-19 thứ 4 với các biến chủng nguy hiểm, xâm nhập cả vào các khu công nghiệp. Điều này ảnh hưởng đến khả năng duy trì hoạt động sản xuất liên tục và khả năng đáp ứng các đơn hàng cho các đối tác đã ký. Việc dịch bệnh còn diễn biến phức tạp ở trong nước và thế giới còn ảnh hưởng đến hoạt động logistics, làm gián đoạn xuất – nhập khẩu, cản trở xúc tiến thương mại tới các thị trường cũ và mới, đẩy các chi phí và giá nguyên vật liệu tăng lên cao. Hiện đã có những luồng phân tích từ các chuyên gia nước ngoài về “dòng chảy ngược” khi các nhà đầu tư quay trở lại Trung Quốc để đầu tư sản xuất khi mà nước này đang khống chế dịch rất tốt. Trong khi các nước như Việt Nam và Ấn Độ lại đạng đối mặt với nàn sóng covid mới. Việc khống chế dịch bệnh nhanh sẽ giảm thiểu các nguy cơ cho ngành gỗ nội thất, mang tới các cơ hội lớn (như năm 2020) và ngược lại.

+ Tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường Mỹ rất lớn (chiếm tới 58% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ nội thất trong năm 2020), dẫn đến những rủi ro tiềm tàng. Một % thay đổi từ thị trường này đều dẫn đến sự thay đổi lớn tới kết quả xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2021 cũng như các năm tiếp theo. Mặc dù các tín hiệu hiện tại về thị trường Mỹ đều khá tích cực, nhưng chúng ta cần chú tâm đẩy mạnh việc mở rộng sang các thị trường khác để tạo sự cân bằng. Đặc biệt là thị trường như Eu, Nhật Bản và các thị trường mới khác.

+ Nguy cơ đánh tráo xuất xứ cũng là một vấn đề cần quan tâm của các cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung nổ ra dẫn tới một loạt các mặt hàng gỗ nội thất của Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ bị áp thuế (lên tới 15-20%). Mặt tốt là mở ra cơ hội cho Việt Nam bứt phá, chiếm thị phần (và thực tế chúng ta đã làm được trong năm 2020 khi vượt Trung Quốc về giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ nội thất vào Mỹ). Tuy nhiên cũng có dấu hiệu rõ ràng cho thấy nhiều doanh nghiệp gỗ nội thất Trung Quốc đã chuyển sang Việt Nam nhằm né thuế. Họ không hẳn là đầu tư mở rộng sản xuất, mà chỉ gia công hoàn thiện với tỷ lệ rất nhỏ (thậm chí nhập sản phẩm thô, sản phẩm rời sang Việt Nam để lắp ghép hoàn thiện) và xuất khẩu sang Mỹ và các nước thứ 3 nhằm hưởng thuế suất thấp. Như ở phần trên đã phân tích về các mặt hàng nhập khẩu có thể thấy trong năm 2020 Việt Nam đã tăng nhập khẩu tới gần 200% các mặt hàng “bộ phận đồ gỗ” và “ghế ngồi” từ Trung Quốc. Một dấu hiệu khá rõ ràng. Nếu không có giải pháp kịp thời sẽ dễ dẫn đến rủi ro lớn, đặc biệt là nếu Mỹ và Châu Âu điều tra việc chuyển giá, xuất xứ…sẽ ảnh hưởng lớn và rất tiêu cực đến xuất khẩu đồ gỗ nội thất của Việt Nam (Như đã phân tích ở bên trên về rủi ro khi thị trường Mỹ chiếm tới 58% tỷ trọng xuất khẩu của ngành, giả sử nếu Mỹ tăng thuế hay các rào cản thì sẽ ảnh hưởng rất tiêu cực).

– Cơ hội cho ngành gỗ nội thất trong năm 2021

+ Các thị trường chính đang có dấu hiệu phục hồi mạnh khi bước đầu khống chế được Covid-19. Đặc biệt là Mỹ và Châu Âu.

Năm 2020 vừa qua chúng ta đã vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia xuất khẩu đồ gỗ nội thất lớn nhất vào Mỹ và xu hướng này vẫn còn tiếp diễn trong năm 2021 và những năm tới. Sau khi khống chế “tạm gọi là” thành công Covid-19 thì nhu cầu tiêu dùng của người Mỹ đã tăng cao đột biến. Giá nhà ở và hoạt động xây dựng đều tăng cao, người dân Mỹ bước đầu đánh giá cao các mặt hàng nội thất của Việt Nam, các doanh nghiệp gỗ nội thất Việt Nam cũng tạo được niềm tin và uy tín với đối tác Mỹ…

Thị trường EU và Anh trong năm 2020 sụt giảm về xuất khẩu, một phần là bởi dịch Covid-19 diễn ra rất phức tạp tại đây. Những dấu hiệu kiểm soát tốt dịch bệnh và tiêm phòng vắc xin…đang kéo cuộc sống của người châu Âu dần trở lại bình thường. Đây là những tín hiệu tích cực cho hoạt động xuất khẩu gỗ nội thất của Việt Nam trong năm 2021 và các năm tiếp theo.

Thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc…và các nước khác cũng tương tự. Mỗi một sự cải thiện sẽ góp phần tích cực vào kết quả chung của toàn ngành.

+ Thương chiến Mỹ – Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Mở thêm cơ hội xuất khẩu và thu hút dòng vốn đầu tư chảy vào ngành. Xu hướng này đã xảy ra trong vài năm gần đây và vẫn có xu hướng tiếp tục trong những năm tới.

Tổng kết

Trên đây TOPnoithat đã tổng hợp và phân tích về tình hình xuất nhập khẩu của ngành gỗ nội thất Việt Nam trong năm 2020, cũng như đánh giá các rủi ro và cơ hội trong năm 2021. Nhìn chung chúng ta đang ở trong một thời kỳ khá thuận lợi và xu hướng tăng trưởng vẫn là chủ đạo. 10 năm liên tục vừa qua chúng ta đều giữ được tốc độ tăng trưởng tốt, các doanh nghiệp Việt Nam tích lũy được nhiều kinh nghiệp và nguồn lực, ngày càng lớn mạnh và trưởng thành, tạo được lợi thế cạnh tranh và vị thế trên tường quốc tế.

Xem thêm chủ đề liên quan

Trả lời

Check Also

Top 10 Cửa hàng bán Thiết bị Phòng tắm, Nhà tắm tại TpHCM

Bạn đang cần tìm địa chỉ bán bồn tắm, phòng xông hơi, thiết bị phòng tắm tại thành phố Hồ …