Home Tin tức Nội thất Tin Việt Nam Tinh hoa nghề chạm khắc gỗ Phù Khê – Bắc Ninh

Tinh hoa nghề chạm khắc gỗ Phù Khê – Bắc Ninh

Làng nghề chạm khắc gỗ truyền thống Phù Khê

Bắc Ninh lâu nay vẫn rất nổi tiếng với những làng nghề truyền thống cùng nét đẹp văn hoá lâu đời. Trong đó không thể bỏ qua nghề mộc ở làng Phù Khê, thị xã Từ Sơn – quê hương các làng nghề đồ gỗ truyền thống như Hương Mạc, Đồng Kỵ, Tam Sơn. Nơi đây đã sản sinh ra nhiều thế hệ nghệ nhân tài hoa, đi xây dựng các công trình nổi tiếng như Chùa Bút Tháp, đình Đình Bảng, đình Diễm Xá,…

Hãy cùng TOPnoithat tìm hiểu sâu hơn về nghề chạm khắc gỗ Phù Khê, Bắc Ninh nhé.

1. Giới thiệu làng nghề chạm khắc gỗ Phù Khê – Bắc Ninh

— Vị trí địa lý của làng nghề

Làng nghề đồ gỗ Phù Khê là nằm ở xã Phù Khê thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Từ trung tâm thành phố Hà Nội di chuyển dọc theo hướng đông bắc khoảng 25km là tới làng nghề Phù Khê.

— Lịch sử hình thành

Làng Phù Khê, xã Phù Khê, tên Nôm là làng Giầm, tên cổ là Phù Đầm. Được thành lập từ thời vua An Dương Vương và nghề gỗ tại làng cũng được cho là xuất hiện từ thời gian này. Nghề chạm khắc gỗ Phù Khê đã phát triển đến độ tinh xảo nên từ xa xưa, người dân nơi đây vẫn truyền tụng câu ca:

“Hà Nội thêu quạt, thêu cờ
Phù Khê chạm trổ ngai thờ nhà vua”.

Ban đầu, do nhu cầu sử dụng đồ gỗ của triều đình và các phủ quan lại; những người làm nghề mộc ngày xưa đã tập trung về Phù Kê để thuận tiện cho việc sản xuất và cung cấp cho triều đình.

Sau này khi kinh đô được dời về Thăng Long, thời vua Lý Thái Tổ; người làng Phù Khê vẫn tiếp tục làm nghề và truyền lại cho con cháu. Đời nọ nối tiếp đời kia. Ngày nay, ta có thể thấy nhiều vết tích thời phong kiến qua những đồ vật còn sót lại trong đình làng. Những kiến trúc và hoa văn truyền thống từ thời xưa vẫn còn nguyên vẹn; trường tồn với thời gian tại làng nghề Phù Khê.

Hiện nay, đình làng Phù Khê vẫn còn thờ cụ Tổ nghề chạm khắc gỗ là ông Nguyễn An cùng nhiều sắc phong của các triều đại ghi nhận những đóng góp của dân làng trong việc xây dựng cung đình, lăng tẩm.

Làng nghề chạm khắc gỗ truyền thống Phù Khê
Làng nghề mộc chạm khắc gỗ Phù Khê, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh

2. Sản phẩm từ làng nghề chạm khắc gỗ Phù Khê

Nghề mộc tại Phù Khê không những có từ lâu đời mà còn đa dạng phong phú đạt đến trình độ tinh xảo, nghệ thuật: Từ việc dựng nhà ở, làm đình chùa, bàn ghế, đồ gia dụng, đồ thờ tự cho đến sáng tác ra những tác phẩm nghệ thuật như: Tượng, tranh với nhiều thể loại và các sản phẩm khác.

Làng nghề Phù Khê nổi tiếng với các sản phẩm gỗ mỹ nghệ như: Chạm khắc Rồng, bàn ghế, đồ thờ, đồ gia dụng, bàn ghế, tủ quần áo,… được khách hàng trong nước và quốc tế yêu thích và tin dùng. Không chỉ bởi thiết kế đẹp, tinh tế mà chất lượng còn rất bền bỉ.

Theo nhiều đánh giá của khách hàng, thì nghệ thuật chạm khắc rồng ở làng Phù Khê đã đạt đến đỉnh cao của sự tinh xảo. Có thể khẳng định hiếm có nơi đâu chạm trổ được hình rồng đẹp, uy nghiêm mà vẫn rất có hồn như người thợ mộc Phù Khê. Chính vì thế, các bộ bàn ghế, tủ thờ, vật phẩm trang trí có hình rồng rất được khách hàng ưa chuộng.

Nghệ thuật chạm khắc rồng tại làng Phù Khê
Nghệ thuật chạm khắc rồng tại làng Phù Khê đã đạt đến trình độ tinh xảo

3. Quy trình làm ra đồ gỗ chạm khắc

Để sản xuất ra một sản phẩm mỹ nghệ cần đòi hỏi sự công phu và bài bản. Về quy trình, trước tiên người thợ Cả (thợ chính) phải có ý tưởng về sản phẩm mình định sản xuất và thể hiện bằng bản vẽ (mẫu sản phẩm). Khi đã làm xong phần mẫu, việc tiếp theo là chọn gỗ, lựa chọn làm sao để cho phù hợp với sản phẩm mình muốn, tiếp đến là lấy mực, rồi cho thợ xẻ ra thành từng khúc, từng tấm gỗ có độ dày mỏng khác nhau sao cho đúng kích thước đã định sẵn lúc lấy mực.

Công đoạn này cần sự chuẩn chỉ của người thợ và người thợ này theo nôm na người dân gọi đó là thợ hàng Ngang. Công việc của thợ Ngang là pha gỗ như: Cưa, cắt, xẻ, vanh, ken,… theo khuôn mẫu đã định sẵn của sản phẩm. Ví dụ như: Chân, tay, cột, yếm của bàn ghế và các chi tiết khác.

Khi đã hoàn thiện xong những tấm gỗ theo ý muốn, người thợ Chạm sẽ thực hiện công việc của mình. Họ sẽ xử lý những phần chi tiết theo khuôn mẫu đã định sẵn như: Vườn hoa, cành đào, hòn non bộ và những chi tiết nhỏ khác… Để cho sản phẩm thêm đặc sắc và nghệ thuật.

Tiếp đến người thợ Ngang và thợ Chạm phối hợp với nhau để lắp ráp và hoàn thiện sản phẩm với các công việc như: Bào, nạo, lu, gắn cố định bằng (cồn, keo).

Công đoạn cuối cùng giao cho thợ Nguội làm đẹp sản phẩm như: Đánh giấy giáp, véc ni, phun sơn, khảm ngọc trai…

Dụng cụ hành nghề đục, chạm gỗ của những người thợ làng Phù Khê rất đơn giản, chỉ có vài thứ như cưa, bào, thẩm, ke, tràng, đục móng, đục thẳng… với các loại to nhỏ khác nhau. Nhưng dưới bàn tay tài hoa của thợ mộc làng Phù Khê, mỗi sản phẩm đều rất tinh xảo. Người dân làng nghề vẫn thường lưu truyền câu nói: “Nhất mộc, nhị nhân, tam vân, tứ thú”. Ý nói khó nhất là chạm cây cối, khó thứ hai là chạm hình người, thứ ba là chạm mây, thứ tư là chạm hình những con thú.

Từ đôi bàn tay khéo léo của người dân nơi đây, những khúc gỗ sần sùi, thô ráp đã được biến hóa thành một tác phẩm nghệ thuật, khiến cho những người chiêm ngưỡng cảm thấy thán phục trước tài năng của họ.

Hoạt động sản xuất tại làng nghề mộc Phù Khê
Những người thợ trẻ nối tiếp nghề mộc truyền thống của làng Phù Khê

4. Sự phát triển của làng nghề Phù Khê trong thời đại mới

Sự phát triển của làng nghề gỗ Phù Khê chính thức được ghi nhận từ sau những năm 1990. Trải qua nhiều thăng trầm của thời cuộc, nghề mộc truyền thống vẫn được gìn giữ cho đến ngày nay. Không chỉ ở làng Phù Khê, nghề chạm khắc gỗ còn lan rộng sang các địa phương khác như Đồng Hương, Mai Động, Liên Hà, Vân Hà, Hiệp Hòa (Bắc Giang),… thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế Từ Sơn và vùng lân cận. Đến nay, thị trường sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ Phù Khê đã trải rộng khắp mọi miền đất nước và được nhiều nước trên thế giới biết đến. Cùng với việc gìn giữ, để lại những giá trị văn hóa lâu dài trên quê hương, đất nước, những người thợ mộc Phù Khê đang làm giàu hơn, đẹp hơn cho quê hương.

Để tạo điều kiện cho người dân phát triển nghề truyền thống, đầu năm 2012, xã Phù Khê đã quy hoạch khu chợ gỗ rộng hơn 10 nghìn m2 với trên 300 gian hàng. Sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ ở Phù Khê hiện đã chuyển sang sản xuất theo dây chuyền hiện đại có quy mô lớn với các khu chuyên sản xuất, trưng bày giới thiệu sản phẩm, khu để nguyên vật liệu riêng biệt, từ đó hiệu quả sản xuất được nâng cao rõ rệt. Đặc biệt, năm 2016, nghề chạm khắc gỗ Phù Khê được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Bức tranh gỗ chạm khắc tinh xảo tại làng Phù Khê
Bức tranh gỗ chạm khắc tinh xảo tại làng Phù Khê

Tổng kết

Tinh hoa nghề mộc làng Phù Khê được thể hiện rõ nét nhất trong hình tượng rộng trên mỗi sản phẩm làm ra. Hình rồng được người thợ Phù Khê chạm khắc trên gỗ, thể hiện sức mạnh và khát vọng mãi vươn lên đã và đang thành hiện thực, như tâm nguyện bao đời của người dân nơi đây. Từng ngày, từng ngày đem lại sự giàu có, trù phú cho một vùng quê.

Hy vọng bài viết đã cung cấp đến cho quý bạn đọc những thông tin hữu ích nhất. TOPnoithat là chuyên trang tin tức về ngành nội thất, và đây là chuyên mục về các làng nghề gỗ mộc truyền thống của Việt Nam. Chúng tôi muốn giới thiệu khách quan, và quảng bá hình ảnh đẹp của các làng nghề đến với đông đảo bạn đọc khắp cả nước. Quý vị yêu thích chủ đề này có thể tham khảo: Tổng hợp các làng nghề mộc đồ gỗ nội thất Việt Nam

Xem thêm chủ đề liên quan
Comments are closed.

Check Also

Enzo Mari – Nhà thiết kế sản phẩm và nội thất nổi tiếng người Ý

Enzo Mari (sinh ngày 27 tháng 4 năm 1932, tại Novara, Ý – mất ngày 19 tháng 10 năm 2…