Dấn thân vào con đường kinh doanh nội thất bạn sẽ thấy nó vô cùng phức tạp, nhiều thử thách và tất nhiên không thiếu các cơ hội. Thị trường nội thất trong nước với 100 triệu dân, tốc độ đô thị hóa cao nên nhu cầu rất lớn và tăng trưởng mạnh, đặc biệt là chưa có “cá mập” chi phối…mở ra nhiều cơ hội cho bạn. Nhưng ở khía cạnh khác, hơn 150.000 đơn vị kinh doanh nội thất (gồm các công ty, cửa hàng, nhà máy, xưởng sản xuất, đơn vị tư vấn thiết kế…) là một đội ngũ cạnh tranh đông đảo, xâu xé thị trường, chưa có Cá Mập nhưng cá Răng Đao thì nhiều vô kể.
Bài viết này sẽ giới thiệu những thông tin cơ bản về chủ đề kinh doanh nội thất. Bao gồm các khái niệm, ý tưởng, mô hình, xây dựng kế hoạch, triển khai, các câu hỏi thường gặp… Đây là chủ đề rất rộng nên bài viết chỉ đi vào những nét chính, ở mỗi chủ đề chúng tôi sẽ có các bài phân tích chuyên sâu hơn.
Kinh doanh nội thất là gì?
Kinh doanh nội thất là các hoạt động đầu tư, sản xuất, mua bán, cung ứng sản phẩm dịch vụ nội thất do các chủ thể kinh doanh tiến hành thường vì mục đích tạo ra lợi nhuận. Hoạt động kinh doanh nội thất không chỉ là mua bán nội thất, mà nó bao gồm một phạm vi rất rộng các hoạt động như: sản xuất nội thất, bán buôn bán lẻ nội thất, xuất nhập khẩu nội thất, tư vấn thiết kế thi công nội thất, sửa chữa làm mới đồ nội thất, mua bán nội thất thanh lý, mua bán đồ nội thất cũ – cổ, hoạt động môi giới, hoạt động tư vấn định giá nội thất, các dịch vụ hỗ trợ…
Các câu hỏi được quan tâm nhiều
– Kinh doanh nội thất cần bao nhiêu vốn?
Để kinh doanh dịch vụ tư vấn – thiết kế – thi công nội thất thì bạn không cần vốn vẫn có thể làm được (tất nhiên có vốn mạnh thì càng tốt). Mở một xưởng làm nội thất DIY cần từ 50-100 triệu, mở xưởng nội thất gỗ công nghiệp có thể bắt đầu từ 300trđ, phổ thông là từ 500trđ- 1tỷ. Để mở một cửa hàng nội thất thông thường cần vốn đầu tư từ 200-500 triệu. Trong khi với các showroom lớn hay trung tâm nội thất rộng cả vài ngàn mét vuông, bán các đồ nội thất cao cấp, setup không gian đẹp…thì vốn đầu tư có thể lên đến vài tỷ hoặc vài chục tỷ.
Mỗi một mô hình và quy mô đầu tư sẽ quyết định lượng vốn cần có ban đầu cũng như vốn duy trì. Bạn không có tiền, có 50-100 triệu, có 500trđ-1 tỷ, có 1-3 tỷ…ở mức nào cũng có thể bắt đầu đầu tư kinh doanh nội thất được. Chúng tôi có một bài phân tích sâu hơn các trường hợp quyết định đến lượng vốn đầu tư kinh doanh nội thất cần có, quý khách có thể xem thêm: tại đây.
– Lợi nhuận từ kinh doanh nội thất cao không?
Nếu bạn nhập buôn/nhập sỉ nội thất về để bán lẻ thì mức chiết khấu giữa giá nhập và giá bán không nên dưới 30%, tối ưu là khoảng 40%. Tuy nhiên đó chưa phải là lợi nhuận từ kinh doanh nội thất mà bạn thu được, bởi còn nhiều biến số chi phí khác để quyết định mức lợi nhuận cuối cùng như: chi phí mặt bằng, nhân sự, điện nước internet, giao hàng, lắp đặt, bảo hành, giảm giá khuyến mãi, thuế và phí…
Nhìn chung lợi nhuận của bán lẻ nội thất được kỳ vọng ở mức trung bình 15-20%. Nếu doanh nghiệp chủ động được cả sản xuất thì biên lợi nhuận sẽ lớn hơn.
Thực tế trong kinh doanh nội thất chúng ta không phải chỉ bán một loại mặt hàng mà bán đa dạng. Trong đó mỗi sản phẩm lại có biên lợi nhuận khác nhau, khi đó cái doanh nghiệp quan tâm là lợi nhuận tổng thể (ngắn hạn và dài hạn). Những mặt hàng chủ lực sẽ được quan tâm đầu tư lớn và quản trị chặt chẽ, làm xương sống để tạo lợi nhuận, trong khi các mặt hàng khác là phụ trợ giúp mặt hàng chính bán tốt hơn và không kỳ vọng lợi nhuận cao (giảm giá sâu, bán kèm để tạo sự kích thích khách hàng mua nhiều, làm “nhòe” giá bán). Tất nhiên mỗi doanh nghiệp có chiến lược riêng và mức lợi nhuận kinh doanh nội thất cũng khác nhau.
Chúng tôi có một bài phân tích sâu hơn về lợi nhuận khi kinh doanh nội thất. Quý vị có thể xem thêm: Tại đây.
– Các rủi ro chính khi kinh doanh nội thất?
Kinh doanh cái gì cũng đều có những khó khăn và rủi ro, với kinh doanh nội thất thì có những rủi ro chính mang tính đặc thù như:
- Rủi ro khi lựa chọn mặt bằng không phù hợp, nhất là với bán lẻ nội thất hay xưởng sản xuất. Mặt bằng quyết định 50% khả năng thành công của showroom bán lẻ, một mặt bằng ở gần khách hàng mục tiêu, có diện tích hợp lý, mặt tiền đủ rộng, ở vị trí và góc nhìn tốt…rất có lợi cho bán hàng. Và ngược lại, nếu chọn phải mặt bằng xấu thì tốn rất nhiều chi phí quảng cáo mà vẫn khó bán hàng, không dễ để đổi mặt bằng khác. Chi phí thuê mặt bằng cũng là khoản chi phí thường xuyên lớn nhất của cửa hàng nội thất.
- Mẫu mã nội thất thay đổi liên tục, dễ bị sao chép, quản trị hàng trưng bày và hàng tồn kho gặp nhiều khó khăn.
- Kinh doanh nội thất nếu bạn phụ thuộc vào nguồn nhập hàng từ đối tác thì sự ổn định của mối nhập là một rủi ro thường trực. Lúc thấp điểm thì mọi thứ đều ổn, vào vụ cao điểm thì hay bị chậm hàng, chất lượng giảm hoặc không ổn định, tăng giá, mẫu mã không linh hoạt,…ảnh hưởng nhiều đến năng lực cạnh tranh.
- Đào tạo nhân sự, đặc biệt là nhân viên bán hàng và kinh doanh, vừa khó và mất nhiều thời gian nhưng dễ nhảy việc.
- Khi tham gia vào lĩnh vực sản xuất nội thất thì những rủi ro về chọn lựa sai máy móc và công nghệ sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng.
- Hàng nội thất khá cồng kềnh và dễ hư hỏng, khó phục vụ khách hàng ở xa, chi phí vận chuyển lớn.
- ..
Chúng tôi có một bài phân tích kỹ hơn về 10 rủi ro thách thức trong kinh doanh nội thất, quý khách có thể xem thêm: tại đây.
Các ý tưởng kinh doanh nội thất
Để kiếm một ý tưởng kinh doanh nội thất hay ho độc đáo là khá khó bởi đây là ngành kinh doanh mang tính truyền thống với hàng trăm ngàn đối thủ đang tồn tại. Gần như các ý tưởng bạn nghĩ ra có thể đã có người đã hoặc đang thực hiện ở các mức độ khác nhau. Tuy nhiên mọi thứ luôn luôn vận động, đôi khi ý tưởng ‘cũ’ nhưng cách làm mới, lợi thế cạnh tranh tốt hơn, quy mô lớn hơn, nhân lực và tài chính chất lượng hơn…thì vẫn có thể mang lại thành công.
Dưới đây là một số gợi ý về ý tưởng kinh doanh nội thất để bạn tham khảo:
– Ý tưởng kinh doanh nội thất tổng hợp.
Việc bán nhiều mặt hàng nội thất có ưu điểm là danh mục sản phẩm đa dạng, đối tượng khách hàng phục vụ rộng, dễ bán, mặt hàng lọ bù mặt hàng kia giúp mạng lại lợi nhuận tổng thể tốt. Khách hàng đến những cửa hàng nội thất có đa dạng mặt hàng cũng dễ mua sắm trọn bộ, không phải “về tay không” tức không mua cái này thì mua cái khác, tiện lợi và tiết kiệm thời gian. Bởi vậy nếu bạn đang bí ý tưởng thì việc kinh doanh nội thất tổng hợp là một lựa chọn phổ thông an toàn, kết hợp với các cách làm mới và đột phá sẽ giúp bạn thành công.
– Ý tưởng kinh doanh nội thất chuyên biệt
Ý tưởng này là hướng sự tập trung vào một hoặc một nhóm sản phẩm/khách hàng/thị trường nhất định. Có thể chuyên biệt theo công năng, ví dụ chỉ bán nội thất phòng khách (ghế sofa, bàn trà, kệ tivi, thảm sofa, đồ trang trí phòng khách…). Có thể chuyên biệt theo chủng loại, chất liệu…ví dụ chỉ bán nội thất gỗ óc chó hay chỉ bán nội thất gỗ công nghiệp. Hay chuyên biệt theo một nhóm đối tượng khách hàng như nội thất trẻ em, nội thất cà phê nhà hàng…
Việc tập trung kinh doanh nội thất chuyên biệt vào thứ mà doanh nghiệp có lợi thế sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và có khả năng thành công cao hơn. Sau đó tùy vào năng lực và cơ hội thị trường để mở rộng dần dần theo chiều dọc (sản xuất <=> bán hàng <=> tư vấn thiết kế thi công) hoặc mở rộng theo chiều ngang (mở rộng danh mục sản phẩm).
– Ý tưởng kinh doanh nội thất theo xu hướng
Nếu bạn nhận thấy một dòng sản phẩm nào đang hoặc sẽ là xu hướng thịnh hành thì việc đầu tư kinh doanh nó là một ý tưởng hay. Đại dịch covid-19 vừa qua đã nảy sinh nhu cầu làm việc tại nhà tăng cao và các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm bàn ghế làm việc tại nhà đã rất thành công. Xu hướng sử dụng nội thất thông minh đang nở rộ ở nước ngoài và là mảng kinh doanh khá mới mẻ, nó cũng có thể phát triển tốt tại Việt Nam trong thời gian tới. Những xu hướng đó thường có tín hiệu báo trước (ví dụ sự xuất hiện của các vật liệu mới) hoặc đến bất trợt (đại dịch, chính sách), để nhận ra nó và nắm bắt cơ hội cần sự nhạy bén của các nhà kinh doanh.
– Ý tưởng kinh doanh nội thất thanh lý
Đây là một thị trường khá béo bở với cung-cầu đều lớn và có tỷ suất lợi nhuận cao. Vì nhiều lý do mà các món đồ nội thất được thanh lý vẫn còn rất tốt, nhập về tát tút lại chút để bán cho người có nhu cầu. Đôi khi bạn gặp những “món hời” khi mua được các sản phẩm chất lượng tốt, đồ nội thất gỗ quý, mẫu cổ, mua được số lượng lớn… Hiện thị trường nội thất thanh lý còn khá phân mảnh, như tại Hà Nội có hàng trăm đơn vị nhưng chưa thực sự có một thương hiệu đủ lớn nổi bật, liệu bạn có bắt đầu xây dựng một thương hiệu dẫn đầu?
– Ý tưởng kinh doanh dịch vụ nội thất
Dịch vụ điển hình nhất là tư vấn-thiết kế-thi công nội thất, nếu bạn có kiến thức và thẩm mỹ tốt về thiết kế thì hoàn toàn có thể khởi nghiệp với nó. Bên cạnh đó cũng có dịch vụ môi giới, đấu giá, tư vấn, review sản phẩm, tư vấn phong thủy, sửa chữa làm mới đồ nội thất… Kinh doanh dịch vụ là hình thức bạn dùng chất xám, tay nghề, kinh nghiệm, quan hệ, hiểu biết…của mình để kiếm lợi nhuận. Hình thức này có điểm hay là không cần nhiều vốn đầu tư để khởi nghiệp, tuy nhiên để làm ở quy mô lớn thì cũng không dễ dàng gì.
– Ý tưởng chọn thị trường ngách nội thất để kinh doanh
Có những thị trường ngách mà các doanh nghiệp nội thất lớn thường bỏ qua (hoặc không đầu tư mạnh) và đó là cơ hội để kinh doanh rất tốt. Ví dụ sản phẩm Tủ giày dép là một thị trường ngách nội thất khá tiềm năng, bạn có thể thấy các đơn vị kinh doanh nội thất lớn-nhỏ đều bán tủ giày dép nhưng số lượng ít chỉ một vài mẫu – kiểu bán kèm cho có. Nếu bạn đầu tư chuyên sâu vào nó (tốt nhất là có xưởng sản xuất) với lượng mẫu mã đa dạng (hàng trăm, hàng ngàn mẫu) đồng thời cung cấp dịch vụ đóng tủ giày theo yêu cầu linh hoạt thì bạn sẽ có một lợi thế cạnh tranh vượt trội.
Bạn muốn tìm hiểu thêm về thị trường ngách nội thất, hãy tham khảo thêm bài viết giới thiệu về 30 ý tưởng chọn lọc của chúng tôi: tại đây.
– Ý tưởng “bám theo” các đối thủ đầu ngành
Những đơn vị kinh doanh nội thất lớn và lâu năm hẳn có bí quyết và từng trải, các sản phẩm và dịch vụ họ cung cấp qua thời gian ngày càng đạt đến độ hoàn thiện hơn. Vì vậy việc “bám theo” các đối thủ đầu ngành để học hỏi và “bắt chước” cũng là một ý tưởng hay ho. Tất nhiên khi phân tích đối thủ để tìm ý tưởng kinh doanh nội thất thì bạn cần có cách tìm kiếm và bộ lọc. Không thể bắt chước làm theo cả ngàn mẫu sản phẩm của họ mà chỉ tập trung vào các mẫu mã thịnh hành, không bắt chước tất cả chính sách của họ mà chỉ tập trung vào một vài điểm quan trọng… (Có nhiều công cụ để lọc các sản phẩm bán chạy, sản phẩm được xem nhiều…từ các website hay fanpage nội thất của các đối thủ. Ngoài ra có thể dựa vào các comment phản hồi, lượt like,…).
Trên đây là một vài gợi ý về ý tưởng kinh doanh nội thất. Bạn có thể xem thêm bài viết chuyên biệt về chủ đề này để có nhiều gợi ý hơn: tại đây.
Các mô hình kinh doanh nội thất phổ biến
Mở cửa hàng/showroom là mô hình kinh doanh nội thất điển hình nhất. Tuy nhiên có nhiều mô hình khác để bạn lựa chọn và việc chọn mô hình nào phải căn cứ vào ý tưởng, sản phẩm/dịch vụ, tiềm lực tài chính, con người, khả năng quản trị…và nhiều yếu tố khác để quyết định.
– Mở cửa hàng/showroom/kho hàng
Mở cửa hàng nội thất là hoạt động thường thấy và điển hình nhất khi nhắc tới kinh doanh nội thất. Tìm kiếm mặt bằng, setup không gian, nhập hàng và trưng bày hàng hóa, thực hiện bán hàng và chốt đơn, giao hàng và lắp đặt, bảo hành và các hoạt động hậu bán hàng, quản lý hàng tồn…
Mô hình kinh doanh này có ưu điểm là có không gian vật lý với sản phẩm nội thất thực tế để khách tham quan và trải nghiệm. Thực tế chỉ ra rằng khách hàng có xu hướng xem trên mạng trước và đến trải nghiệm thực tế mới mua, nhất là các món hàng nội thất có giá trị lớn thì chẳng mấy ai mua online cả. Tuy nhiên trong các mô hình kinh doanh nội thất thì mở cửa hàng/showroom là có chi phí đầu tư thường lớn hơn cả, trong đó chi phí cho mặt bằng, hàng trưng bày, quản trị hàng tồn, nhân viên bán hàng…chiếm tỷ trọng cao và là những vấn đề cần lưu tâm.
– Mở xưởng sản xuất
Mở xưởng sản xuất cũng là mô hình kinh doanh nội thất phổ biến. Sản phẩm xưởng làm ra có thể bán buôn cho các cửa hàng, bán online, làm theo yêu cầu và trực tiếp lắp đặt cho khách hàng, nhận làm gia công cho các đơn vị tư vấn thiết kế thi công, xuất khẩu…
– Kinh doanh nội thất online
Sự phát triển mạnh của thương mại điện tử và mua sắm online hiện nay cho phép kinh doanh nội thất không cần cửa hàng vật lý. Bạn có thể tạo shop trên các sàn thương mại điện tử, mở tài khoản trên các mạng xã hội, tạo website bán hàng…để tiếp cận khách hàng và bán hàng. Mô hình kinh doanh nội thất này tỏ ra rất phù hợp với các bạn ít vốn. Nếu tiềm lực tài chính tốt hơn bạn có thể thuê kho chứa và đóng hàng hay mở xưởng sản xuất để chủ động nguồn hàng và có tỷ suất lợi nhuận cao hơn.
– Tư vấn – Thiết kế – Thi công nội thất
Mô hình kinh doanh này tập trung vào việc cung cấp dịch vụ nội thất, tùy mức độ mà có thể dừng lại ở việc cung cấp các bản vẽ thiết kế và phương án kiến trúc, hoặc đi đến thi công lắp đặt trọn gói.
– Định hướng xuất khẩu
Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu hơn 10 tỷ USD đồ nội thất và các sản phẩm gỗ với hàng ngàn doanh nghiệp tham gia. Nhìn chung Việt Nam có thế mạnh về mặt hàng này: nguyên liệu, nhân lực và tay nghề, hệ thống phụ trợ… Nếu bạn có thế mạnh hãy mạnh dạn đầu tư.
– Kết hợp hai hay nhiều mô hình
Mỗi mô hình kinh doanh nội thất riêng lẻ đều có một giới hạn hiệu quả nhất định. Trong quá trình phát triển các doanh nghiệp nội thất sẽ có nhu cầu thay đổi hay mở rộng mô hình bằng cách hội nhập theo chiều dọc hoặc chiều ngang của chuỗi giá trị.
Doanh nghiệp tư vấn thiết kế có thể mở thêm xưởng sản xuất để chủ động nguồn hàng, mẫu mã, chất lượng…và tăng tỷ suất lợi nhuận. Tương tự, đơn vị sản xuất cũng có thể mở cửa hàng/showroom, cung cấp dịch vụ tư vấn thiết kế thi công trọn gói… Các cửa hàng bán nội thất cũng có thể mở xưởng sản xuất để chủ động nguồn hàng, cung cấp dịch vụ tư vấn thiết kế, đội thi công và bảo hành…
Cần chuẩn bị gì khi kinh doanh nội thất?
Chuẩn bị càng kỹ thì càng giảm các rủi ro và phát sinh khi kinh doanh nội thất. Tuy nhiên không vì chuẩn bị kỹ mà làm lỡ thời cơ hay nhụt chí. Dưới đây là một vài việc chính:
– Lập kế hoạch kinh doanh nội thất
Để mở một cửa hàng, một xưởng sản xuất nội thất nhỏ…bạn chỉ cần bản kế hoạch đơn giản trên 1 hoặc một vài trang giấy. Nhưng nếu đầu tư mở doanh nghiệp kinh doanh nội thất ở quy mô lớn, nhiều thành viên, cần huy động vốn, đối tác đầu tư, hướng tới các mục tiêu tham vọng…thì nên có một kế hoạch kinh doanh tỉ mỉ chi tiết, thậm chí là một chiến lược kinh doanh nội thất bài bản.
Dù bản kế hoạch kinh doanh là ngắn gọn hay chi tiết tỉ mỉ thì cũng cần phải dựa trên các phân tích và thể hiện các yếu tố chính. Như:
+ Các phân tích cần thực hiện:
- Làm rõ ý tưởng kinh doanh nội thất, sản phẩm dịch vụ chính, sự khác biệt, sự cần thiết và giá trị cốt lõi của nó.
- Đối tượng khách hàng chính: là ai, họ ở đâu, có đặc điểm nổi bật gì, tại sao bạn nghĩ họ là khách hàng mục tiêu chính, tiếp cận với họ ra sao…
- Phân tích đối thủ và thị trường để đánh giá năng lực cạnh tranh và giải pháp cạnh tranh.
- Các cơ hội và xu hướng, các thách thức và rủi ro
- Điểm yếu và điểm mạnh của bạn, các lợi thế vượt trội nào mà bạn có.
- …
+ Các yếu tố chính cần làm rõ:
- Mục tiêu ngắn hạn và dài hạn
- Nhu cầu vốn và nguồn huy động
- Nhân sự và tổ chức
- Đối tác: nguồn nhập, năng lực sản xuất
- Khách hàng: các giải pháp marketing
- Mô hình kinh doanh mà bạn muốn xây dựng, lúc ban đầu và lâu dài hướng tới
- Xây dựng các kịch bản và giải pháp, các hành động
- …
Mỗi một mô hình kinh doanh nội thất và quy mô đầu tư sẽ đòi hỏi một bản kế hoạch kinh doanh khác nhau. Ví dụ, bạn muốn đầu tư mở xưởng sản xuất nội thất gỗ công nghiệp thì kế hoạch kinh doanh cần đề cập đến: dòng sản phẩm chính và tiêu chuẩn chất lượng, quy trình sản xuất, máy móc và công nghệ, mặt bằng nhà xưởng và bố trí, nhân lực thiết kế-sản xuất-thi công lắp đặt-bán hàng…thậm chí các yếu tố nhỏ cũng phải đặt ra và tính toán như: rác thải sản xuất xử lý thế nào, công tác phòng chống cháy nổ, chống nóng và ồn, ô nhiễm phát sinh từ xưởng (bụi, ồn, mùi sơn…) có thể dẫn tới phản ứng của cư dân địa phương xung quanh… Nếu không có sự phân tích và lên các kịch bản phản ứng trước, có thể bạn sẽ phải trả giá khá đắt khi kinh doanh nội thất. Bởi vậy việc lập một bản kế hoạch kinh doanh nội thất là rất cần thiết, không nên bỏ qua.
Quý khách có thể xem thêm hướng dẫn lập kế hoạch kinh doanh nội thất ở một chủ đề riêng: tại đây.
– Chuẩn bị các nguồn lực
+ Tài chính/vốn
Nếu bạn đã lập bản kế hoạch kinh doanh nội thất ở bước trên thì hẳn đã xác định được nhu cầu vốn cần phải có cho dự án khởi nghiệp của mình. Trong đó cần xác định rõ nguồn vốn nào cần có cho đầu tư ban đầu, vốn nào cần để duy trì, các giai đoan giải ngân. Trong khởi nghiệp kinh doanh nội thất thì không phải ai cũng trường vốn (dư dả tài chính) mà đa phần ở dạng thiếu hụt. Khi đó việc lập các phân kỳ đầu tư để chia nhỏ nhu cầu vốn, dự trù các nguồn và các kỹ năng “mượn vốn” là rất quan trọng, đầu tư kiểu con nhà nghèo.
Đối thủ đầu tư xưởng sản xuất gỗ công nghiệp với 2 tỷ, bạn chỉ có 100-150 triệu vẫn có thể mở xưởng để sản xuất như thường. Hãy bắt đầu bằng những loại máy móc cơ bản như máy cưa bàn trượt, máy dán cạnh mini, máy khoan cam mini, thuê xưởng diện tích nhỏ đủ dùng để chi phí thuê thấp, tự mình và người nhà làm để giảm số lượng thợ cần thuê… Các máy móc ‘đơn giản’ này vẫn có thể sản xuất ra đa phần các sản phẩm nội thất thông dụng đang bán trên thị trường, dù công suất và một số tính năng bị hạn chế (các sản phẩm mà xưởng bạn chưa làm được thì thuê gia công ngoài). Theo thời gian vừa kinh doanh vừa tích lũy và tái đầu tư, bạn sẽ nâng cấp máy cưa bàn trượt lên máy CNC, máy dán cạnh mini lên máy dán cạnh đa chức năng, máy khoan cam mini lên máy khoan cam tự động…nâng cấp nhà xưởng, tăng dần nhân công theo nhu cầu công việc. Bằng cách đó kết hợp với nhập nguyên liệu vật tư vừa đủ, “mượn vốn” bằng khoản đặt cọc trước từ khách hàng, nợ trả chậm đối tác cung cấp…xưởng nội thất của bạn vẫn hoạt động rất tốt. Như vậy, thiếu vốn khởi nghiệp không làm khó được người có ý chí.
+ Con người và kiến thức
Kinh doanh nói chung và kinh doanh nội thất nói riêng thì yếu tố con người là hàng đầu quyết định thành công. Trong ngành nội thất thì con người còn đòi hỏi nhiều yếu tố đặc thù và cao hơn về kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm.
Để đào tạo một người thợ mộc làm được các sản phẩm cơ bản cần 6 tháng – 1 năm. Để sản xuất các mặt hàng nội thất tinh xảo thì cần thợ giỏi và kinh nghiệm, thường trên 3 năm. Bạn có thể đi thuê nhân sự, tuy nhiên không dễ kiếm người phù hợp, chi phí tiền lương và tính ổn định không cao
Một nhân viên bán hàng mới chỉ cần 1-3 tháng đào tạo để nắm bắt được các thông tin cơ bản về sản phẩm như giá, chiết khấu, tính năng chính, chất liệu, công dụng, giao hàng, chính sách thanh toán, bảo hành…nhưng dừng lại ở mức này thì khả năng chốt đơn không cao, hoặc có bán được nhưng không bán được nhiều, combo. Nhân viên bán hàng giỏi có thể gợi ý khách mua giường ngủ cùng tủ quần áo, bàn trang điểm, tủ đầu giường, chăn ga gối đệm, tranh treo tường, thậm chí cả các mặt hàng nội thất khác trong nhà mà khách hàng chưa sắm đủ. Muốn làm được vậy đòi hỏi người bán hàng phải có hiểu biết cơ bản về tâm lý khách hàng, phong thủy nội thất, kiến trúc, xu hướng thiết kế, kỹ năng bán hàng, từng trải…không phải một sớm một chiều mà có. Những người giỏi và có hiểu biết sâu rộng lĩnh vực nội thất thường không sẵn sàng đi làm ‘nhân viên bán hàng’ cho bạn.
Chỉ hai ví dụ trên đã có thể thấy rằng nhu cầu và chất lượng nhân sự ảnh hưởng rất lớn đến thành công kinh doanh nội thất. Ở quy mô nhỏ bạn có thể tự mình làm mọi thứ với trách nhiệm cao. Tuy nhiên kinh muốn mở rộng kinh doanh để vươn tới các mục tiêu xa hơn thì cần có sự định hướng và chuẩn bị.
Triển khai và thực chiến
– Mặt bằng và bố trí mặt bằng
Nếu bạn kinh doanh nội thất online hay làm dịch vụ tư vấn thiết kế thi công nội thất thì mặt bằng là yếu tố có ảnh hưởng không quá lớn. Nhưng khi mở cửa hàng nội thất, mở xưởng sản xuất nội thất…thì mặt bằng là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định thành công.
Mặt bằng cửa hàng nội thất cần ưu tiên gần khu vực khách hàng mục tiêu, di chuyển thuận lợi, tìm kiếm dễ dàng, độ nhận diện cao. Một mặt bằng tối ưu cho cửa hàng nội thất là có mặt tiền trên 6m, trên mặt đường rộng, dễ quan sát từ xa, vỉa hè rộng, có chỗ để xe ô tô, không gian bên trong vuông vắn ít góc chết,… Diện tích mặt bằng, giá thuê hàng tháng, chu kỳ thanh toán, mức độ cần sửa chữa…cũng cần quan tâm bởi nó ảnh hưởng lớn đến chi phi đầu tư ban đầu và duy trì thường xuyên về sau.
– Nhập, Xuất và quản trị hàng tồn
Khuyến khích bạn nên mã hóa sản phẩm và sử dụng các phần mềm để hỗ trợ, nhất là khi bạn có nhiều cửa hàng, nhiều cơ sở kinh doanh.
Trong kinh doanh nội thất (nhất là bán lẻ) công tác quản trị hàng tồn đóng vai trò quan trọng. Các mặt hàng nội thất có giá trị lớn nên vốn đọng nhiều, nhanh lỗi mốt, hàng trưng bày khó bán (khách hàng thường không thích mua hàng trưng bày vì đã có nhiều người ngồi thử dùng thử),…trong khi phải thường xuyên bổ sung mẫu mới hợp xu hướng.
– Xây dựng, hoàn thiện quy trình bán hàng, chính sách bán hàng
Có một thực tế hay xảy ra là: nhân viên bán hàng chỉ bán được 1 cái bàn giá 2 triệu, nhưng cùng khách hàng đó người quản lý sẽ bán được cái bàn giá 1tr8 + cái ghế 1tr2. Ở đây không hẳn nhân viên bán hàng không khéo léo hay kém duyên, mà là họ không biết nên giảm giá bao nhiêu trên mức doanh số, không biết nên giảm giá bao nhiêu khi khách mua thêm,…bởi họ không có quyền quyết và không có khung định mức giảm giá rõ ràng cho các trường hợp như vậy. Vô hình chung doanh thu của đơn vị kinh doanh nội thất bị giảm. Điều này xuất phát từ quy trình và chính sách bán hàng không được xây dựng đủ tốt hoặc việc áp dụng thiếu nhất quán.
Trong một trường hợp khác về chính sách vận chuyển lắp đặt, liệu doanh nghiệp của bạn có sẵn sàng giao một cái ghế sofa cho khách hàng ở xa 1000km? Nhân viên của bạn sẽ ứng xử và đưa ra chính sách gì khi khách hàng đó liên hệ mua? Nếu quyết bán thì sẽ đối mặt với phí giao hàng cao (dù khách đồng ý hỗ trợ) và rủi ro hỏng hóc lúc vận chuyển, rủi ro đơn hàng ảo phải quay đầu (lỗ vốn là cái chắc),… Kinh doanh nội thất có một khái niệm gọi là “giới hạn khu vực phục vụ tối ưu”, tức là nếu vượt ra khỏi khu vực đó thì hạn chế hoặc từ chối phục vụ.
Còn rất nhiều các ví dụ điển hình khác mà chúng ta không thể bàn hết, nó nói nên tầm quan trọng của việc xây dựng một quy trình bán hàng, các chính sách bán hàng, chính sách vận chuyển lắp đặt, bảo hành bảo trì, quy trình xử lý sự cố phát sinh…và tất nhiên phải liên tục bổ sung và hoàn thiện theo thời gian.
Xem thêm: Quy trình bán hàng nội thất
– Tuyển dụng, đào tạo và quản lý nhân sự
Tuyển nhân sự phù hợp đã khó, đào tạo-sử dụng và giữ chân người lao động thạo việc còn khó hơn. Bởi vậy một mặt doanh nghiệp nội thất cần có chính sách lương thưởng và phúc lợi cạnh tranh, nhưng mặt khác công tác đào tạo luôn cần được quan tâm đúng mực và thường xuyên.
Với kinh nghiệm bán hàng nội thất hơn 10 năm tôi nhận thấy rằng có khoảng 20 câu hỏi mà khách hàng luôn lặp đi lặp lại. Chúng xoay quanh các chủ đề như: giá, chất lượng, kích thước, màu sắc, độ bền, làm theo yêu cầu, lắp đặt, bảo hành,… Vậy mà nhiều nhân viên bán hàng dù cùng 1 câu hỏi của khách hàng nhưng mỗi lần trả lời 1 kiểu, thay vì đưa ra câu trả lời tốt nhất đã được chuẩn bị. Lỗi này là do công tác đào tạo.
Trong xưởng sản xuất nội thất cũng vậy, có khoảng 20% vấn đề, 20% thao tác…lặp đi lặp lại. Nếu làm tốt và thành thạo 20% này người thợ sẽ giải quyết được hầu hết các công việc. Để đào tạo cho nhân sự làm tốt 20% này (đạt trình độ thợ phổ thông) là không khó, quan trọng là người quản lý phải nhận ra.
Như vậy có thể thấy rằng, việc đào tạo nhân sự nên chú trọng vào những kiến thức và kỹ năng căn bản để đào tạo cho chắc và vững, sau đó dần dần mở rộng sang những thứ khó và phức tạp. Mỗi vị trí nhân sự bởi vậy cần có bản mô tả công việc rõ ràng, đồng thời có khung đào tạo phù hợp để người lao động làm việc hiệu quả.
– Xây dựng các phương thức Marketing nội thất hiệu quả
Có thể chia các giải pháp marketing nội thất thành 2 nhóm. Một là các giải pháp marketing truyền thống, bao gồm bảng biển cửa hàng, logo, bao bì, các mối quan hệ, đối tác liên kết, chính sách giá cả, chiết khấu, tặng kèm, bán theo combo, quảng cáo tivi, đài, báo giấy, tờ rơi, áp phích… Hai là nhóm các giải pháp marketing trực tuyến như: website, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, diễn đàn, rao vặt, báo mạng, các ứng dụng trực tuyến…
Để kinh doanh nội thất hiệu quả doanh nghiệp cần linh hoạt áp dụng nhiều giải pháp marketing. Tuy nhiên việc dàn trải đầu tư sẽ tốn kém và không hiệu quả, thay vào đó nên chọn một vài phương pháp marketing hiệu quả mà mình có lợi thế nhất để tập trung nguồn lực.
– Tài chính, kế toán, dòng tiền và tái đầu tư mở rộng
Hầu hết các cửa hàng nội thất nhỏ đều mắc một sai lầm là không có sự tách bạch giữa tài chính cá nhân với kinh doanh. Những ông bà chủ bán được hàng sẽ cho tiền vào két hoặc tài khoản, tiền được chi tiêu cho cả nhu cầu cá nhân, thay vì chỉ được chi tiêu trong khoản tiền lương và/hoặc lợi nhuận cuối cùng. Bên cạnh đó là rất nhiều sai lầm khác trong quản lý tài chính và dòng tiền.
Điều đó đòi hỏi người kinh doanh nội thất phải có hiểu biết cơ bản về quản lý tài chính và kế toán hoặc thuê nhân sự. Cần thống kê đầy đủ doanh thu, chi phí, dòng tiền…từ đó cân đối hợp lý, tích trữ tài chính dự trù các biến cố lớn cũng như tái đầu tư mở rộng kinh doanh.
Trên đây là những thông tin khái quát về chủ đề kinh doanh nội thất. Có rất nhiều điều chúng tôi muốn chia sẻ nhưng trong phạm vi một bài viết không thể đi sâu phân tích. Ở mỗi phần nội dung chúng tôi đều có link đính kèm về các bài viết chuyên sâu hơn, các bạn có thể tham khảo thêm.