Gỗ Sưa, không cần nói nhiều chắc ai cũng đã từng nghe qua vì độ hot của nó. Đây là 1 trong 10 loại gỗ đắt nhất tại Việt Nam. Vì nó hót, nó đắt nên lại càng cần tìm hiểu kỹ hơn để tránh bị lừa. Gỗ sưa, không phải ai cũng biết hết các thông tin cơ bản về gỗ Sưa như: Gỗ Sưa là gỗ gì? Sưa có mấy loại? Cách nhận biết các loại Sưa? Giá bán gỗ sưa? Trong bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu tất cả các khía cạnh của gỗ sưa.
Gỗ Sưa là gỗ gì?
Gỗ Sưa cho mùi thơm quyến rũ thoảng nhẹ kiểu hương trầm. Khi đốt tàn có màu trắng đục, mùi khó chịu nên được gọi là Trắc thối (Sưa Bắc). Gỗ Sưa chỉ dùng phần gỗ lõi cho giá trị kinh tế cao hơn phần gỗ giác. Sưa có thớ mịn, vân gỗ đẹp.
Đôi nét về cây gỗ sưa
Tên Việt Nam: Sưa (Trắc thối)
Tên khoa học: Dalbergia tonkinensis Prain
Bộ: Fabales
Họ: Fabaceae
Đặc điểm sinh thái của cây gỗ Sưa
Là cây gỗ nhỡ, rụng lá theo mùa, cao từ 6-12m (cũng có thể cao tới 15m), sinh trưởng trung bình. Thân cây dạng hợp trục, dáng phân tán. Vỏ thân cây màu vàng nâu hay xám, nứt dọc. Cành non màu xanh, có lông mịn thưa. Lá mọc cách, cấu tạo lá dạng kép lông chim lẻ, mỗi lá kép có từ 9-17 lá chét đính so-le trên cuống chính. Lá chét hình xoan thuôn, đầu nhọn hoặc có mũi ngọn, đuôi tròn, mặt dưới phiến lá thường có màu tái trắng. Kích thước lá chét dài từ 6–9 cm, rộng từ 3–5 cm, lá chét đính ở đầu cuống kép thường có kích thước lớn hơn các lá còn lại. Cuống chính và các cuống lá chét không lông, phiên lá chét không lông. Có lá kèm nhỏ không lông, sớm rụng.
Hoa mọc ra từ nách lá, thường xuất hiện trước khi lá mọc đầy đủ. Hoa tự tán gồm nhiều bông màu trắng, có kích thước 7-9mm, mùi thơm nhẹ. Mùa hoa vào tháng 2-3. Quả dạng đậu hình trứng thuôn dài, dài 5–7,5 cm, rộng khoảng 2-2,5 cm. Quả chứa 1-2 hạt, mỗi hạt có đường kính khoảng 8-9mm, hình thận dẹp. Quả khi chín không tự nứt.
Là cây ưa sáng, ưa đất sâu, dày, độ ẩm cao. Phân bố ở độ cao tuyệt đối dưới 500m. Trong tự nhiên tìm thấy trong rừng mưa nhiệt đới và rừng mưa nhiệt đới gió mùa. Chủ yếu phân bổ ở Việt Nam và được tìm thấy rải rác tại Hải Nam, Trung Quốc (tại đây gọi nó là 越南黄檀 – Hoàng (huỳnh) đàn Việt Nam).
Tình trạng
Hiện nay, Sưa là loài đang bị đe dọa do mất môi trường sống. Tại Việt Nam chính phủ xếp vào nhóm cây cần bảo vệ nghiêm ngặt, cho phép trồng khoanh nuôi.
Gỗ sưa có mấy loại?
Có hai loại gỗ sưa chính đã được các nhà khoa học phân loại đó là Sưa trắng và gỗ sưa đỏ. Cây sưa trắng cho hoa đẹp, quả to, khi đốt quả không có mùi. Tuy nhiên, gỗ sưa trắng không giá trị bằng gỗ sưa đỏ. Cây sưa đỏ trông gần giống cây sưa trắng nhưng quả thành từng chùm và đốt lên có mùi thối.
Chính vì vậy mà ở thời phong kiến, gỗ sưa đỏ được gọi là cây Trắc thối Giao Chỉ. Ngoài ra còn có một loại sưa nữa màu đen được gọi là tuyệt gỗ nhưng loại này cực kỳ hiếm thấy.
Đặc tính của gỗ Sưa
- Độ bền rất cao, khi bạn ngâm ở trong bùn hoặc trong nước nhiều năm thì nó vẫn không hề bị thấm nước hoặc bị mục nát.
- Gỗ không bị bay đi mùi hương và khi đặt ra ngoài nắng cũng không bị co và nứt.
- Gỗ nằm trong gỗ nhóm 1 – Nhóm gỗ có mùi hương, vân gỗ đẹp, có giá trị kinh tế cao.
- Gỗ khi làm điêu khắc có màu rất đẹp, có khả năng chịu được va đập và cào xước tốt. Các đường vân tựa mây bay và đa số có đường gân màu đen.
Nhiều người thường có quan niệm rằng “gia đình dù giàu có tới nhường nào, cuộc sống dư giả tới bao nhiêu mà trong nhà không sở hữu vật dụng nào làm từ gỗ sưa thì cũng chưa thể hiện được sự đẳng cấp và thượng lưu của mình”.
Giá bán gỗ sưa nguyên liệu
Sở hữu những tính năng và đặc điểm vượt trội như vậy, gỗ Sưa đỏ mang lại một giá trị kinh tế khá lớn. Giá trị thương phẩm mà gỗ sưa đỏ mang lại trên thị trường là một con số không nhỏ, không phải ai cũng sở hữu được gỗ Sưa.
Thực tế gỗ sưa có giá bao nhiêu chúng ta cần xem xét trên nhiều góc độ. Bởi không có mức giá cố định cho tất cả các loại gỗ này. Để biết mức giá chính xác cần phải đánh giá theo:
- Chất lượng của vân gỗ xấu hay đẹp
- Tuổi thọ của gỗ là gỗ lâu đời hay không
- Kích thước thớ gỗ
Tuy nhiên, qua một số kênh tham khảo hiện nay trên thị trường thì giá của gỗ sưa đỏ dao động từ vài triệu đồng/1kg đến vài chục triệu đồng/1kg.
Gỗ sưa đỏ thường được làm thành các đồ mỹ nghệ, các sản phẩm phong thủy. Giá của các sản phẩm này từ vài trăm đến vài tỷ đồng.
Giá gỗ Sưa trắng thì chỉ dao động từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng/ 1kg
Cách nhận biết gỗ Sưa
Gỗ Sưa là dòng gỗ có giá vô cùng đắt đỏ, vì vậy, nhiều người vì lợi nhuận mà làm giả đồ bằng gỗ Sưa để bán với giá cao. Việc nhận biết gỗ Trắc thối sẽ giúp bạn thành người mua hàng thông thái hơn. Để có thể nhận biết được sưa thật và giả trong dân gian, người xưa đã sử dụng các phương pháp như sau:
1. Quan sát bằng mắt thường
Phương pháp này chỉ dành cho thợ và những người thường không kinh nghiệm khó có thể thực hiện được. Sắc gỗ thường có màu đỏ vàng và đỏ đen cho nên các cụ ngày xưa đã ví von câu nói “vân gỗ trắc, sắc gỗ sưa”.
Vân gỗ thường xoắn xít, từng lớp trông khá đẹp mắt và có những vòng xoáy với hình thù lạ mắt. Cho nên ở sách cổ của Trung Quốc đã từng ghi chép lại là gỗ có vân “hình mặt quỷ”, “hình mây cuộn”, “hình đồng xu” … Nếu gỗ sưa tuổi thọ càng cao thì giá trị sử dụng càng lớn. Vân được như câu nói trên phải được trồng trên 40 năm.
Thớ gỗ: Mịn, màu hồng hoặc sẫm đỏ. Ngoài ra nó còn có màu đen, gỗ càng già thì thớ càng mịn.
2. Hơ lửa hoặc đốt thành tro
Thông thường, Sưa đỏ có tinh dầu nên chúng thường có mùi rất đặc trưng. Tuy nhiên, sau một thời gian khi gỗ khô lớp tinh dầu sẽ giảm làm mất mùi. Việc hơ lửa đến khi gỗ có hơi khói bốc lên sẽ giúp tinh dầu vỡ và tỏa hương. Đây là một trong các phương pháp nhận biết chính xác nhất và dễ sử dụng (Nhưng bạn phải từng ngửi mùi tinh dầu sưa đỏ)
Đốt thành tro là một phương pháp đơn giản nhất. Khi bạn đốt thành tro thì gỗ sưa đỏ chuẩn thì tro sẽ có màu trắng hoặc trắng xám. Ngoài ra tàn tro sẽ rất mịn tựa như bột. Nhưng một số loại gỗ tự nhiên như Hoàng Đàn, Trầm hương cũng cho màu tro này vì vậy phương pháp này cũng mang tính chất tương đối.
3. Ngâm nước sôi (hoặc luộc gỗ)
Đối với các loại Sưa tươi khi mới khai thác thì người ta sẽ thường ngâm gỗ ở trong nước khi đang sôi hoặc ngâm mặt gỗ sưa ở trong chậu đã tráng men hoặc bát ô tô tráng men trắng. Sau đó để yên khoảng 15 – 20 phút và dừng lại để quan sát màu nước và lớp váng dầu bám ở trên thành của chậu và bát.
Nếu nước có màu hồng, trong và khi đổ nước thì ta thấy có một đường viền váng dầu ở miệng bát hồng sáng bóng và có mùi thơm ngát.
Với một loại gỗ đắt đỏ như vậy thì gỗ thường được ứng dụng để làm gì? Dưới đây chúng ta cùng đi điểm qua một số ứng dụng của gỗ sưa đỏ (Sưa bắc) nhé!
Ứng dụng của gỗ Sưa trong đời sống
- Thời phong kiến vua chúa dùng gỗ Sưa (trắc thối) để đóng đồ nội thất cao cấp trong cung đình vì nó vừa là hương liệu vừa là dược liệu. Từ những năm 90 của thế kỉ XX, giá trị thương phẩm của gỗ Sưa trên thế giới tăng đột biến do nhiều người Trung Quốc đổ xô săn lùng gỗ Sưa để đóng quan tài hoặc ướp xác như các vị hoàng đế Trung Quốc trước đây. Người ta cho là quan tài đóng bằng gỗ trắc thối có khả năng giữ được xác lâu, không bị phân hủy.
- Ngày nay, Sưa được dùng để đóng nội thất, làm đồ trang sức phong thủy, tượng phật.
Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi về loại gỗ quý mang tên gỗ sưa.
Mong rằng một phần thông tin sẽ giúp bạn có thể hiểu rõ hơn về gỗ sưa, biết cách nhận dạng và phân biệt sưa đỏ với các loại gỗ khác.