Home Tin tức Nội thất Kiến thức chuyên ngành Gỗ Sồi: thông tin, đánh giá, ứng dụng và giá bán

Gỗ Sồi: thông tin, đánh giá, ứng dụng và giá bán

hình ảnh màu sắc đường vân gỗ sồi

Gỗ Sồi là dòng gỗ tự nhiên được sử dụng rất phổ biến trong đóng đồ nội thất hiện đại. Màu sắc tươi sáng, vân gỗ đẹp, cứng chắc và rất bền, dễ chế tác và sản xuất, giá thành cũng khá rẻ nữa… Bởi vậy nó được ứng dụng rất phổ biến để sản xuất nội thất, từ giường ngủ gỗ sồi, tủ quần áo hay tủ giày dép gỗ sồi, bàn ghế ăn gỗ sồi, bàn ghế phòng khách hay kệ tivi gỗ sồi, tủ bếp gỗ sồi cũng rất đẹp… Để quý khách hiểu rõ hơn về dòng gỗ này TOPnoithat đã tìm hiểu khá kỹ nhiều nguồn thông tin từ trong và ngoài nước, xin được giới thiệu chi tiết trong bài viết dưới đây để bạn tham khảo.

Gỗ Sồi là gỗ gì?

Gỗ sồi là một loại gỗ tự nhiên được trồng hay mọc tự nhiên, phân bố nhiều ở các nước có khí hậu ôn đới, trải dài từ Bắc Mỹ (Mỹ, Canada) đến châu Âu (Pháp, Đức, Anh, Thụy Điển, đặc biệt là Nga) và châu Á (phía bắc Trung Quốc)… Tên gọi Sồi không phải chỉ là một loại cây, mà nó là tên chung chỉ các loại cây thuộc họ Sồi, gồm khoảng 500 loài cả cây gỗ và cây bụi.

Sở dĩ ở thị trường Việt Nam ta chủ yếu thấy các đơn vị bán gỗ sồi Mỹ hay sồi Nga là bởi đây là 2 nguồn nhập khẩu chính, vừa có nguồn gỗ phong phú, giá thành cũng rẻ hơn các nước khác. Loại gỗ này mới được nhập khẩu và dùng phổ biến ở Việt Nam khoảng 15-20 trở lại đây.

Khác với các loại gỗ quý như Đinh, Lim, Sến, Táu…là loại gỗ khai thác từ rừng nguyên sinh và hiếm. Thì gỗ sồi mà chúng ta thường nhập khẩu về để làm đồ nội thất lại thường là gỗ rừng trồng. Những cây Sồi được trồng trong những cánh rừng bạt ngàn, theo hàng lối, cây bởi vậy cũng lên thẳng tắp và cho giá trị kinh tế cao (chứ không như cây để tự nhiên thường nhiều cành lòe xòe, nhiều mắt mấu, gỗ không thẳng dài). Thời điểm để khai thác gỗ Sồi cũng được tính toán cẩn thận, thường là vào mùa thu hoặc đầu đông. Khi đó khí hậu khô, cây ngừng sinh trưởng, hàm lượng nước trong gỗ thấp, ít “rác gỗ” (vỏ non của gỗ), và gỗ cũng có độ cứng chắc hơn…

Hình ảnh cây gỗ sồi xếp đống
Hình ảnh các cây gỗ sồi được khai khác và xếp đống chờ chế biến.

– Màu của gỗ sồi tự nhiên?

Màu của gỗ sồi rất đa dạng chứ không phải chỉ có 1-2 màu đơn lẻ, nhưng thường được chia/nhóm làm 2 loại là sồi trắng (White Oak) và sồi đỏ (Red Oak). Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người thích đóng đồ nội thất để nguyên màu gỗ tự nhiên nguyên bản. Tức dùng lớp sơn trong suốt, chứ không thích phủ sơn màu khác lên sản phẩm. Bởi nhìn những bộ ghế, tủ áo, tủ bếp, giường…có gam màu sáng nhẹ hay hơi ngả vàng chanh và những đường vân gỗ ấn tượng…không màu sơn nào có thể sánh kịp.

– Gỗ sồi trắng là gì?

Gỗ sồi trắng (White Oak) có thể hiểu đơn giản là màu của nó sáng hơn màu của sồi đỏ, còn được các thợ gỗ thợ mộc ở Việt Nam gọi là gỗ sồi Nga, bởi dòng gỗ này được trồng nhiều tại đây. Loại gỗ này thường có dát gỗ màu khá nhạt, sau đó đi từ nâu và đậm dần vào phía tâm gỗ. Sồi trắng loại chuẩn (hàm lượng nước đạt chuẩn, thường dưới 20%) thường có trọng lượng trung bình khoảng 769kg/m3 với độ cứng đạt khoảng 6409N.

Ở châu Âu loại gỗ sồi trắng này rất được ưa chuộng để dùng làm tủ đựng rượu hay nút thắt của rượu vang. Hiện được sử dụng nhiều để đóng các đồ nội thất gia đình như tủ áo, tủ bếp, bàn ghế ăn… Tâm của sồi trắng chứa hàm lượng tannin khá cao, vừa có mùi thơm nhẹ dễ chịu, lại có khả năng chống mối mọt rất tốt.

– Gỗ Sồi đỏ là gì?

Sồi đỏ (red Oak) là loại có màu gỗ đậm và hơi nâu đỏ so với sồi trắng. Dát gỗ màu trắng vàng và nâu nhạt, tâm gỗ thì sẽ từ nâu tới đỏ hồng. Ở Việt Nam sồi đỏ thường được nhập về chủ yếu từ Mỹ và Canada, bởi vậy nhiều người vẫn gọi sồi đỏ là sồi Mỹ. Ở độ ẩm tiêu chuẩn, gỗ sồi đỏ có khối lượng trung bình là 753kg/m3, độ cứng khoảng 6583N – nhẹ hơn một chút nhưng lại cứng hơn so với sồi trắng.

Đặc tính nhẹ mà lại cứng, chịu được lực nén cao, dễ uốn cong do hơi nước,…nên sồi Mỹ (hay sồi đỏ) cũng dễ chế tác, hay được dùng để đóng các đồ nội thất cần tính tinh xảo cao.

Hình ảnh màu sắc đường vân của gỗ sồi
Màu sắc và đường vân gỗ sồi có cảm giác giống tựa nét vân trên đầu ngón tay, uốn lượn nhẹ nhàng, đầy tinh tế. Rất được người dùng ưa chuộng và hợp với nội thất hiện đại

– Gỗ Sồi có tốt không? Ưu và Nhược điểm.

Đây có lẽ là câu hỏi kinh điển và được hỏi nhiều nhất. Và điều thú vị là câu trả lời từ mọi nơi/mọi người đều thường là TỐT. Vậy tốt là tốt thế nào? Căn cứ vào đâu để đánh giá là Tốt?

+ Ưu điểm nổi bật của gỗ sồi

  • Đồ nội thất gỗ sồi có độ bền cao và phù hợp nhiều điều kiện thời tiết. Bản thân cây sồi được trồng và sinh trưởng ở vùng khí hậu lạnh (ôn đới) với điều kiện thời tiết khá khắc nghiệt, lại được khai thác đạt chuẩn gỗ xuất khẩu của Mỹ, EU…nên chất lượng gỗ tốt.
  • Màu sắc sáng, vàng nhạt, hoặc hơi phớt đỏ hồng (tùy loại gỗ)…đều là những gam màu đang được ưa chuộng, hợp với xu hướng nội thất hiện đại, nhà phố, người trẻ.
  • Vân gỗ sồi có thể nói là đẹp miễn chê, nhỏ mà đều. Các loại gỗ như lim, xoan đào,…không thể sánh được ở điểm này.
  • Sồi là loại gỗ nhẹ, mềm, dễ uốn cong, dể chế tác, bám vít tốt,…làm đồ nội thất nào cũng đẹp. Từ giường, tủ áo, tủ bếp, bàn ghế ăn, bàn ghế phòng khách, tủ rượu, tủ giày dép, kệ tivi,…làm từ gỗ sồi đều đẹp.
  • Gỗ sồi thường được nhập từ Châu Âu, Nga, Mỹ, Canada…từ các cánh rừng trồng, được khai thác và chế biến rất chuẩn mực. Bởi vậy độ bền sản phẩm các đồ nội thất cao hơn.
  • Là loại gỗ rừng trồng nên nguồn hàng có thể nói là vô tận, có thể tái sinh, không tận diệt thiên nhiên như các loại gỗ rừng nguyên sinh (đinh, lim, sến, táu, gụ…).
  • Giá gỗ sồi nguyên liệu cũng như các đồ nội thất tương đối rẻ so với các gỗ truyền thống khác.
  • Khả năng chống mối mọt cũng rất đáng khen, nhờ trong gỗ sồi có tinh chất tannin – một chất dùng để thuộc da.
Màu sắc và vân gỗ sồi rất đẹp mà không phải loại gỗ nào cũng có được

+ Một số nhược điểm

  • Là loại gỗ nhập khẩu 100% từ nước ngoài, giá gỗ sồi (tuy vẫn khá rẻ so với nhiều gỗ truyền thống khác) nhưng thường có sự giao động lớn. Nó phụ thuộc vào mùa vụ, sự sẵn có của nguồn cung, thuế, hải quan, vận chuyển, tỷ giá ngoại tệ…
  • Độ giãn nở của gỗ sồi khá cao, nếu kê đồ trong môi trường ẩm ướt sẽ nhanh hỏng. Một mặt cần sơn phủ tốt khi làm đồ nội thất, mặt khác nên kê sản phẩm ở nơi khô thoáng để bền hơn. Thực ra nhược điểm này không riêng gì Sồi mà các loại gỗ khác cũng có ít nhiều.
  • Các loại gỗ xẻ sấy (dạng thanh, tấm) nhập trực tiếp từ nước ngoài có chất lượng rất tốt vì đều được áp tiêu chuẩn chung của Mỹ và Châu Âu. Tuy nhiên giá loại gỗ này thường cao hơn. Nhiều đơn vị nhập gỗ tròn (nguyên cây) về nước để tự xẻ sấy để có giá rẻ hơn, nhưng chất lượng gỗ có thể sẽ kém hơn.

Mặc dù có những nhược điểm nhất định nhưng ưu điểm vẫn là vượt trội. Không phải ngẫu nhiên mà gỗ sồi đang được sử dụng nhiều trong nội thất hiện đại. Nó đã thay thế gỗ Xoan Đào để trở thành loại gỗ tự nhiên dùng thông dụng nhất trong đóng nội thất hiện đại – trước đây Xoan đào gần như ở vị trí độc tôn.

Hình ảnh rừng cây sồi
Cây sồi được trồng trong các cánh rừng và có quản lý chặt chẽ. Do được trồng gần nhau theo tỷ lệ nên cây vươn cao, ít cành, thẳng, nhẵn…gỗ khai thác được sẽ có giá trị kinh tế cao, chất lượng gỗ tốt.

Cây gỗ Sồi

Theo bảng phân loại nhóm gỗ thì gỗ sồi thuộc vào nhóm VII (thông dụng, không phải gỗ quý), có trọng lượng nhẹ, dễ dàng thi công lắp đặt, khả năng bám vít tốt. Vì có nhiều loại cùng họ Sồi nên hay bị nhầm lẫn rằng loại cây này chỉ có ở xứ Ôn đới. Nhưng thực ra các xứ ấm nhiệt đới (như Việt Nam) cũng có cây Sồi, chỉ là thuộc chi khác và có giá trị kinh tế không cao do giống và điều kiện khí hậu – thổ nhưỡng.

Sồi là loại cây lâu năm lại thường sinh trưởng trong khí hậu vùng ôn đới khắc nghiệt (lạnh quanh năm, băng tuyết) cho nên có thể nói Sồi là loại cây có khả năng thích nghi rất tốt với môi trường khắc nghiệt. Nhiệt độ lý tưởng để cây sồi sinh trưởng mạnh là khoảng 13 độ, trong khi mức nhiệt trung bình tối ưu là từ 7 độ C đến 21 độ C, trong điều kiện lạnh hơn hay có tuyết phủ dày cây vẫn sống tốt nhưng giảm sự sinh trưởng.

Đặc biệt, loại cây này có thể sống ở các vùng đất khô cằn với hàm lượng dưỡng chất thấp, đất cát sỏi đá, những nơi có tầng lớp đất thịt mỏng… Cây ưa khô ráo, không sinh trưởng được ở các vùng đất trũng, đất không thoáng nước.

Cây sồi thường nở hoa và phát triển cành lá mạnh vào mùa xuân. Lá mọc vòng với mép lá xẻ thùy ở nhiều loài, một số khác thì có mép lá xẻ khía kiểu răng cưa hoặc mép lá nguyên. Hoa sồi kiểu đuôi sóc, trên cây có cả hoa đực và hoa cái. Quả sồi dạng quả kiên được gọi là quả đấu, mỗi quả chỉ chứa 1 hạt (hiếm khi có 2 hay 3 hạt) và mất khoảng 6 – 18 tháng để chín. Đến mùa thu hay đầu đông khi thời tiết khô và dần chuyển lạnh là lúc cây dừng dần sinh trưởng, hàm lượng nước trong cây thấp. Đây là thời gian lý tưởng nhất trong năm để khai thác lấy gỗ. Khi đó hàm lượng nước trong gỗ sẽ thấp, ít rác (lớp vỏ non) nhiều lõi giúp gỗ chắc hơn…

Hình ảnh câu sồi cổ thụ trăm năm
Cây sồi có thể sống được vài trăm năm, thậm chí ngàn năm tuổi. Tuy nhiên với sồi rừng trồng khai thác lấy gỗ thì tầm 60-80 năm sẽ cho chất lượng gỗ là tốt nhất

– Những điều thú vị khác về cây gỗ sồi

Loại gỗ này thường có tuổi thọ trung bình khoảng trên 100 năm, có thể xếp vào dòng cây lâu niên. Cá biệt như cây sồi Minchenden có tuổi đời tới hiên tại đã hơn 800 năm (là cây sồi lâu đời nhất ở London – Anh), hay cây sồi Tamme-Lauri ở Estonia được trồng vào khoảng năm 1326.

Để chất lượng gỗ tốt nhất thì khoảng thời gian tối ưu để khai thác sản xuất là từ 60-80 năm. Chiều cao trung bình của những cây gỗ sồi trưởng thành vào khoảng 18-27m, đường kính thân có thể đạt 1-2m. (Tuy nhiên đó là mức tối ưu, thực tế không phải lúc nào cũng đạt được vậy, các cây gỗ sồi nhập về Việt Nam có đường kính trung bình khoảng 40-70cm, với tuổi cây vào khoảng 15-30 năm – dựa trên đếm vòng thớ gỗ thực tế nhiều cây).

Khác với các loại gỗ quý như Đinh, Lim, Sến, Táu…là loại gỗ khai thác từ rừng nguyên sinh và hiếm, đôi khi là khai thác kiểu tận diệt. Thì gỗ sồi mà chúng ta thường nhập khẩu về để làm đồ nội thất lại thường là gỗ rừng trồng. Những cây Sồi được trồng trong những cánh rừng rộng bạt ngàn, theo hàng lối, cây bởi vậy cũng lên thẳng tắp và cho giá trị kinh tế cao (chứ không như cây để tự nhiên thường nhiều cành lòe xòe, nhiều mắt mấu, gỗ không thẳng dài). Thời điểm để khai thác gỗ Sồi cũng được tính toán cẩn thận, thường là vào mùa thu hoặc đầu đông. Khi đó khí hậu khô, cây ngừng sinh trưởng, hàm lượng nước trong gỗ thấp, ít “rác gỗ” (vỏ non của gỗ), và gỗ cũng có độ cứng chắc hơn…

Hình ảnh mặt cắt ngang thân cây với các đường vân đặc trưng của gỗ sồi
Hình ảnh mặt cắt ngang thân cây với các đường vân đặc trưng của gỗ sồi. Gỗ tốt phải có phần lõi lớn và nhiều lớp (cây nhiều tuổi), ít rác và bìa, màu sắc đều, ít hoặc không có các vết rạn nứt, ít mắt mấu, cây thẳng dài…

– Cây gỗ sồi ở Việt Nam cũng có, tại sao không dùng được?

Có thể bạn không để ý, tại Việt Nam cũng có cây sồi, phân bố nhiều ở các khu rừng thứ sinh từ Quảng Ninh đến Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Tây Bắc,… Và hiện một số tuyến đường – khu phố cũng có phong trào trồng cây sồi lấy bóng mát và tạo cảnh quan. Nhìn chung khá đẹp, cây sinh trưởng tốt, tán rộng và xanh mát.

Tuy nhiên giống cây sồi ở nước ta không cùng chi với cây sồi vùng ôn đới (Mỹ, Nga). Loại sồi ở nước ta có tên gọi là sồi phảng, nhiều nơi còn gọi là sồi bộp, giẻ trắng, cồng trắng… Sồi ở Việt Nam là loại cây thân gỗ lớn, có thể sinh trưởng trên nhiều loại đất, có khả năng chịu hạn, chịu nóng và ưa sáng. Chúng sống cùng với các loài cây lá rộng khác như trâm, chẹo, trám, xoan đào, lim xanh,… Gỗ sồi ta không có nhiều giá trị kinh tế, xốp, không cứng, nhiều mắt mấu, cây không thẳng do phát triển tự nhiên, hàm lượng nước cao, có nhiều rác gỗ (lớp vỏ gỗ, gỗ non), vân gỗ cũng không đẹp và đều – không đạt tính thẩm mỹ…

Ứng dụng của gỗ Sồi

– Trong sản xuất đồ nội thất

Hiện gỗ sồi được ứng dụng rất rộng rãi trong sản xuất đồ nội thất gia đình và văn phòng. Có thể nói nét đẹp của những sản phẩm làm từ loại gỗ này chinh phục được cả những khách hàng cao cấp và bình dân. Trước khi du nhập về Việt Nam thì gỗ Sồi đã được sử dụng rất phổ biến ở Bắc Mỹ và các nước châu Âu. Không chỉ trong các gia đình mà nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng như Hạ viện Anh, Điện Kremlin Nga, Tòa nhà Nghị viện Romania, sàn phòng Bầu Dục (phòng Oval) của Nhà Trắng ở Hoa Kỳ…cũng sử dụng gỗ Sồi.

công trình lớn sử dụng gỗ sồi
Rất nhiều công trình nổi tiếng như nhà thờ, thư viện…sử dụng gỗ sồi là gỗ chính

Dưới đây là một số ví dụ về ứng dụng của gỗ sồi:

+ Bàn ghế gỗ phòng khách

Sofa làm từ gỗ sồi hiện rất được ưa chuộng, kiểu dáng trẻ trung, giá thành rẻ vừa phải…

Sofa gỗ sồi đẹp kiểu góc chữ L

Mẫu ghế sofa góc chữ L làm bằng chất liệu gỗ sồi có thêm nệm mút da nỉ (nguồn: AmiA)

Sofa phòng khách nhỏ dạng văng chất liệu gỗ sồi tự nhiên có thêm nệm da êm ái

Sofa phòng khách nhỏ dạng văng, chất liệu gỗ sồi tự nhiên có thêm nệm da êm ái. Có thể sơn phủ các màu sắc đa dạng theo sở thích gia chủ

Xem thêm: Bàn Ghế Sofa Gỗ Tự Nhiên | 80+ mẫu đẹp, hiện đại, có nệm mút êm ái

Sofa gỗ tự nhiên: sồi, xoan đào, óc chó và 10 loại gỗ thường dùng nhất

+ Kệ tivi, bàn trà bằng gỗ sồi

Kệ tivi đẹp làm từ gỗ sồi

Kệ tivi đẹp làm từ gỗ sồi, màu vàng chanh và vân gỗ sồi tuyệt đẹp, kết hợp các cánh tủ và mặt kệ màu đen càng thêm sang trọng. (Nguồn ảnh: AmiA)

+ Bàn thờ, đồ thờ làm từ gỗ sồi

Nói đến bàn thờ mọi người có thể nghĩ đến các loại bàn làm từ gỗ hương, gụ, xoan đào hay gỗ mít… Tuy nhiên loại bàn thờ được làm từ gỗ sồi tự nhiên nhìn cũng rất đẹp đấy. Và nhất là nó rất hợp với không gian nhà hiện đại, bàn thờ chung cư, bàn thần tài thổ địa cho các cửa hàng, văn phòng…

Hình ảnh bàn thờ gỗ sồi đẹp

Gỗ sồi mềm và dễ chế tác, dùng để sản xuất bàn thờ rất hợp và đẹp.

+ Bàn ghế ăn gỗ sồi

Bàn ghế ăn gỗ sồi đẹp sang trọng
  • Gỗ sồi được sử dụng rất phổ biến để đóng bàn ghế ăn hiện đại. Có thể sơn thay đổi màu theo sở thích của khách hàng, thêm nệm mút ngồi tăng sự êm ái và sang trọng cho sản phẩm…

+ Tủ bếp gỗ sồi

tủ bếp đẹp làm bằng gỗ sồi
  • Gỗ sồi và xoan đào đang là 2 chất liệu gỗ tự nhiên được sử dụng nhiều nhất để đóng tủ bếp hiện nay. Để màu gỗ tự nhiên cũng đẹp hoặc sơn màu theo sở thích người dùng.

+ Giường ngủ, tủ quần áo làm từ gỗ sồi

giường ngủ và nội thất phòng ngủ gỗ sồi
Nội thất phòng ngủ đẹp, ấm cúng và thân thiện với giường ngủ gỗ sồi, tủ áo, tủ phụ đầu giường, khung tranh…đều làm từ gỗ sồi

+ Bàn phấn, bàn trang điểm gỗ sồi

Mẫu bàn trang điểm đẹp, kiểu đơn giản làm từ gỗ sồi

Mẫu bàn trang điểm đẹp, kiểu đơn giản làm từ gỗ sồi

+ Bàn làm việc tại nhà, kệ sách giá sách bằng gỗ sồi

Giá sách gỗ sồi đẹp

Giá sách gỗ sồi đẹp

+ Tủ giày dép gỗ sồi

mẫu tủ giày dép đẹp bằng gỗ sồi tự nhiên

Hình ảnh một số mẫu tủ giày dép đẹp bằng gỗ sồi tự nhiên

+ Cửa và khuôn cửa

khuôn cửa và cửa đóng bằng gỗ sồi đẹp
Các mẫu cửa làm từ gỗ sồi tự nhiên, gỗ công nghiệp phủ veneer gỗ sồi…rất sang trọng, chắc chắn. Tùy vào sở thích gia chủ để chọn gam màu và kiểu dáng phù hợp.

+ Ván sàn

Ốp sàn nhà bằng chất liệu gỗ sồi

Ốp sàn nhà bằng chất liệu gỗ sồi cho cảm giác ấm cúng

+ Cầu thang gỗ sồi

Cầu thang gỗ sồi đẹp sang trọng

Cầu thang có bậc lên xuống được ốp gỗ sồi đẹp, trẻ trung

Mẫu cầu thang gỗ sồi đẹp sang trọng hoàng gia
  • Vẻ đẹp sang trọng của mẫu cầu thang được làm hoàn toàn từ gỗ sồi

+ Ốp trần, ốp tường bằng gỗ sồi

ốp trần ốp tường bằng gỗ sồi đẹp sang trọng

Trần nhà hay tường được ốp bằng gỗ sồi vừa đẹp, ấm cúng, tạo cảm giác gần gũi thiên nhiên…

+ Trang trí nhà, quán ăn, nhà hàng,…

Gỗ sồi dùng để trang trí nội thất

Các thanh gỗ sồi nhỏ được đánh bóng và sơn phủ…sau đó ghép dọc hoặc ngang nhìn như một bức tường rất đẹp…

Đồ trang trí decor làm từ gỗ sồi

Thỏa sức sáng tạo với các mặt hàng trang trí decor làm từ gỗ sồi và các vật liệu khác. Trang trí quán cà phê, nhà hàng…cực đẹp luôn

+ Hộp trang sức, hộp giấy ăn, đồ gia dụng…

Đồ gia dụng làm từ gỗ sồi

Đồ gia dụng làm từ gỗ sồi

+ Bồn tắm, chậu rửa bằng gỗ sồi

Gỗ sồi trắng có đặc tính không thấm nước, nhất là khi được sơn phủ bảo vệ cẩn thận. Tận dụng đặc tính này người dân châu Âu ở nhiều khu vực đã chế tạo những chiếc bồn tắm hay chậu rửa bằng gỗ sồi với màu sắc, vân gỗ tuyệt đẹp và sang trọng.

+ Làm mặt phủ veneer cho các loại gỗ công nghiệp khác

Tận dụng màu sắc và vân gỗ tuyệt đẹp của Sồi mà nhiều nhà máy sản xuất gỗ công nghiệp đã bóc lạng gỗ sồi để làm lớp phủ veneer cho các cốt gỗ công nghiệp (cốt ván dăm, cốt ván HDF hoặc cốt ván MDF). Đây là một màu sắc/họa tiết rất được ưa thích.

Gỗ công nghiệp phủ veneer vân gỗ sồi đẹp

Vân gỗ sồi đẹp đến mức các thợ vẽ, máy vẽ vi tính còn thường xuyên tạo vân giả cho các loại gỗ khác khi làm đồ nội thất.

+ Gỗ sồi ghép thanh cũng được sử dụng rất rộng rãi

Gỗ sồi ghép thanh giá rẻ

Gỗ sồi ghép thanh có giá thành rẻ và được sử dụng nhiều trong làm bàn ghế nội thất

– Các công dụng tuyệt vời khác

+ Làm nút chai rượu quý bằng Sồi, vừa giữ được hương vị rượu lại không lo thấm.

+ Làm thùng đựng rượu quý để trong kho bảo quản dài hạn hoặc chôn dưới lòng đất (hạ thổ), gỗ sồi trắng không sợ thấm nước và làm tăng hương vị của rượu quý. Khi rượu được ủ trong những thùng gỗ sồi, người ta phát hiện ra rằng rượu sẽ mềm hơn, ngon hơn, loại bớt các độc tố như andehit, furfurol, este,…. Thùng rượu bằng gỗ sồi đỏ (người Mỹ hay dùng) được ghép từ các thanh gỗ nhỏ, sấy trong lò, hoạt chất acid lactic giúp cho rượu mạnh hơn, có mùi kiểu sữa dừa. Còn thùng đựng rượu bằng sồi trắng với các thanh gỗ được phơi khô tự nhiên từ 10-36 tháng (của người Pháp, Nga) giúp rượu có vị ngọt, mềm và hương vanilla rõ rệt.

Thùng đựng rượu quý làm từ gỗ sồi
Thùng đựng rượu quý bằng gỗ sồi giúp rượu giữ được chất lượng, ngon hơn, giảm độc tố

+ Đóng thuyền: sồi trắng là loại gỗ có khả năng chống thấm nước rất tốt, chịu được áp lực nước sâu, không lo bị ăn mòn hay ô xi hóa, bởi vậy loại gỗ này hay được người châu Âu dùng để đóng thuyền.

+ Làm tà vẹt đường sắt , cầu gỗ, đóng thùng xe…rất bền.

+ Làm mực viết: người châu Âu vào khoảng thế kỷ thứ 5 thường sử dụng gỗ sồi để làm mực. Trong gỗi sồi có chất acid tannic – một loại tinh dầu vừa có mùi thơm và khi trộn với muối sắt và nước sẽ chuyển thành màu đen (nếu dùng cây sồi trắng) hoặc màu nâu (nếu dùng sồi đỏ). Có thể sử dụng để viết như một loại mực tự nhiên – mực cây sồi.

+ Vỏ của gỗ sồi trắng sấy khô, theo một số tài liệu y học cổ, được dùng để chữa trị vết thương rất hiệu quả.

So sánh ưu nhược điểm của Gỗ Sồi với các loại gỗ khác

– So sánh gỗ Sồi trắng và Sồi đỏ

Điểm phân biệt rõ ràng nhất 2 loại gỗ chính là màu sắc và đường vân gỗ. Tuy nhiên không phải lúc nào các thanh gỗ, tấm gỗ cũng có màu sắc và vân gỗ giồng nhau, cùng là sồi trắng nhưng có tấm gỗ đậm hơn, cùng là sồi đỏ cũng có tấm màu nhạt. Nó có sự giao động lớn tùy theo từng cây, từng tuổi gỗ, từng vị trí cắt…và càng khó phân biệt hơn khi đồ nội thất đã được sơn phủ. Dưới đây là một vài tiêu chí chính phân biết giữa sồi trắng và sồi đỏ mà TOPnoithat đã tổng hợp:

So sánh phân biệt gỗ sồi trắng và sồi đỏ
Một số đặc điểm nhận dạng và tính chất khác biệt của Sồi trắng và Sồi đỏ

Nhận xét khách quan từ người viết bài thì gỗ sồi trắng tốt hơn gỗ sồi đỏ một chút. Tuy nhiên tùy vào mỗi mục đích sử dụng mà mỗi loại gỗ lại có ưu điểm riêng.

– So sánh gỗ Sồi Nga với Sồi Mỹ

+ Gỗ sồi Nga: Là loại gỗ sinh trưởng tại một số khu rừng ở Nga, với dát gỗ có màu vàng nhạt hoặc trắng (bởi vậy nhiều người vẫn gọi gỗ sồi Nga là gỗ sồi Trắng). Phần tâm gỗ có màu nâu nhạt, vân gỗ có hình dạng núi, mặt gỗ từ trung bình tới thô, riêng các tia gỗ được đánh giá là dài hơn so với sồi Mỹ.

Theo kết quả tính toán thì nó có có khối lượng trung bình rơi vào 769kg/m3, độ cứng khoảng 6049N, trọng lượng riêng khoảng 0,6-0,75 , độ giòn khoảng 102 Mpa, suất đàn hồi 12,15 Gpa , độ chịu nén 50,8Mpa, độ co rút khoảng 1,8 (T/R). Một đặc điểm thú vị mà không loại gỗ nào khác có được là gỗ sồi Nga có cấu trúc tế bào gỗ dạng chai, độ liên kết vô cùng chặt chẽ đến nước cũng không thể thấm qua được. Nhờ đó gỗ sồi Nga có khả năng chống mục nát tốt, rất tuyệt khi đóng các đồ nội thất ngoài trời, nội thất sử trong môi trường ẩm…

Bộ phận tâm gỗ sồi Nga chứa hợp chất tannin – chất chuyên dùng để thuộc da được biết tới với tác dụng ngăn cản sự phá hoại của mối mọt rất tốt.

+ Gỗ sồi Mỹ: được gọi chung cho gỗ sồi được nhập khẩu từ Mỹ và Canada. Loại gỗ này có dát gỗ màu trắng vàng và nâu nhạt, tâm gỗ thì sẽ từ nâu tới đỏ hồng. Nhìn tổng thể màu gỗ đậm và đỏ hơn nên thường được “dân thợ” gọi là sồi đỏ.

Ở độ ẩm tiêu chuẩn, khối lượng trung bình của sồi Mỹ tầm 753 kg/m3, độ cứng đạt khoảng 6583N, trọng lượng riêng khoảng 0,56-0,7 , độ giòn khoảng 99,2 Mpa, suất đàn hồi 12,14 Gpa , độ chịu nén 46,8Mpa , độ co rút khoảng 2,2 (T/R). Nhìn chung nhẹ nhưng cứng hơn sồi trắng (Nga). Khả năng chịu lực nén lẫn lực xoắn khá ổn, dễ uốn cong nhờ hơi nước, dễ chế tác các nội thất cầu kỳ. Sồi Mỹ được ứng dụng rất rộng rãi trong sản xuất các đồ nội thất gia đình như tủ quần áo, tủ bếp, bàn ghế phòng khách, giường ngủ, làm ván sàn, tay vịn cầu thang,…

– Gỗ Sồi với Gỗ Tần Bì

Có lẽ đây là điều được rất nhiều khách hàng quan tâm, bởi thực tế 2 loại gỗ này khá giống nhau về màu sắc và vân đỗ. Không nói quá chứ đôi khi nhiều người sản xuất (ít dùng tới) còn không phân biệt được rõ 2 loại gỗ này. Còn với khách hàng thì cách tốt nhất là yêu cầu xem “chứng từ nhập gỗ” và giám sát quá trình sản xuất. Chứ khi gỗ đã lên thành đồ nội thất, lại được sơn phủ thì việc nhận biết càng khó khăn hơn.

Gỗ tần bì là loại gỗ lấy từ cây Tần Bì, loại gỗ này có vân dáng núi, ít mắt nên nhìn vân khá đều và đẹp, các vân cách nhau rộng do cây sinh trưởng (lớn) nhanh hơn so với Sồi. Gỗ tần bì thực tế cũng rất đẹp, cả về màu sắc và vân gỗ, nhưng xét về giá thành thì gỗ tần bì rẻ hơn gỗ sồi một chút. Bởi vậy nhiều cơ sở đóng nội thất không uy tín có thể trộn hay “đánh tráo” để giảm giá thành. Đây cũng là lý do mà người tiêu dùng nên có khả năng phân biệt 2 loại gỗ này và có những cam kết về nguyên liệu từ đơn vị sản xuất.

Một số cách nhận biết:

+ Về màu sắc: gỗ tần bì về cơ bản có gam màu sáng hơn gỗ sồi (kể cả sồi Trắng). Nhận biết màu rõ nhất là khi gỗ được bào nhẵn và chưa sơn.

+ Về hình dáng thớ gỗ, vân gỗ: gỗ tần bì có vân gỗ thẳng, thớ gỗ to, mặt gỗ thô mộc hơn gỗ sồi (điều này được lý dải là do gỗ tần bì lớn nhanh hơn gỗ sồi).

+ Về tính chất cơ lý: Gỗ tần bì (Ash) được đánh giá là nhẹ và mềm hơn Sồi. Khả năng chịu lực nén tốt, ít bị biến dạng, khá dễ dàng gia công và chế tác, độ bám đinh tốt, bám ốc và dính keo đều tốt…

– So sánh gỗ Sồi với gỗ Xoan Đào

Sồi là loại gỗ mới du nhập vào Việt Nam (khoảng đầu những năm 2000 trở lại đây). Có thể nói trước đó và giai đoạn đầu những năm 2000 thì gỗ Xoan Đào vẫn ở vị trí thống trị trong sản xuất các đồ nội thất. Từ giường, tủ, kệ, bàn ghế, tủ bếp…cái màu nâu nâu kiểu hơi cổ của gỗ Xoan Đào đã trở thành huyền thoại.

Tuy nhiên từ khi du nhập vào Việt Nam, gỗ Sồi đã dần chiếm được thế thượng phong. Có nhiều lý do như: chất lượng và độ bền tương đương nhau, màu sắc tươi sáng và vân gỗ sồi đẹp hơn – đóng lên đồ nội thất nhìn trẻ trung hơn – hợp với nhà phố, nguồn nguyên liệu dồi dào vì là gỗ rừng trồng (trong khi gỗ Xoan Đào thường khai thác ở rừng tự nhiên, mãi cũng hết), và giá thành của Sồi cũng ngày một rẻ hơn…

Giá gỗ Sồi

Giá gỗ sồi phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nguồn mua (nhập khẩu, mua số lượng lớn, mua lẻ), hình thái gỗ (gỗ tròn nguyên cây, gỗ xẻ sấy nhập từ nước ngoài, gỗ các cơ sở trong nước tự xẻ sấy), loại gỗ (gỗ sồi trắng, đỏ, tấm, thanh, ghép thanh…) và mỗi thời điểm giá cũng có sự giao động. Vì là dòng gỗ nhập khẩu nên giá bán gỗ sồi nguyên liệu đôi khi còn phụ thuộc vào cả tỷ giá ngoại tệ, thuế – hải quan, chi phí vận chuyển đường biển, sự sẵn có của nguồn nhập…

hình ảnh gỗ sồi tròn nguyên cây
Rất nhiều đơn vị tại Việt Nam nhập gỗ sồi tròn – nguyên cây về tự xẻ sấy, thường có giá rẻ hơn

– Giá gỗ Sồi trắng

+ Giá gỗ sồi trắng dạng tròn (nguyên cây)

Gỗ sồi tròn là loại gỗ nguyên cây chưa sẻ, được nhiều doanh nghiệp bán gỗ hay nhà máy sản xuất nội thất lớn nhập về. Một là giá gỗ sồi tròn thường rẻ hơn (so với giá gỗ sồi đã xẻ sấy) và có thể chủ động cắt xẻ theo đồ dày và kích thước mong muốn. Loại sồi tròn nguyên cây nhập về thường có đường kính trung bình khoảng 30-70cm, chiều dài cây đa dạng – tối đa 12m (để đặt vừa trong loại container 40 feet).

Giá bán loại sồi trắng tròn tại Mỹ hiện khoảng 200-350$/m3 tùy đường kính và số lượng nhập. Giá bán tại Việt Nam hiện trung bình khoảng hơn 500-600$.

+ Giá gỗ Sồi trắng xẻ xấy

Gỗ xẻ bán sẵn thường có đa dạng độ dày và độ rộng bản. Về độ dày phổ biến thường là 19mm, 20mm, 22mm, 25mm, 26mm, 28mm… những loại dày hơn như 32mm, 38mm, 40mm… Nhìn chung gỗ có độ dày càng lớn + bản rộng càng lớn thì giá càng cao (đòi hỏi cây gỗ phải thẳng, to, ít hoặc không nứt vỡ nhiều). Gỗ xẻ sấy sẵn đóng kiện nhập khẩu từ nước ngoài cũng đắt hơn giá gỗ được xẻ sấy trong nước. Để gỗ tốt cho chế biến đồ nội thất thì cần được tẩm sấy cẩn thận, độ ẩm tối ưu là dưới 20%. Tuy nhiên với gỗ xẻ sấy trong nước thì không phải đơn vị nào cũng đảm bảo được điều này.

Giá gỗ sồi trắng loại xẻ sấy sẵn nhập từ Mỹ (đã rong/bào cạnh)
– Sồi trắng loại dày 20mm21tr/m3
– Sồi trắng loại dày 26mm23tr/m3
– Sồi trắng loại dày 32mm24tr/m3
– Sồi trắng loại dày 38mm25tr/m3
– Sồi trắng loại dày 51mm26tr/m3
Giá gỗ sồi trắng loại xẻ sấy tại Việt Nam (các cty trong nước tự xẻ xấy)
– Sồi trắng loại dày 20mm15tr/m3
– Sồi trắng loại dày 25mm18tr/m3
– Sồi trắng loại dày 30mm22tr/m3
Giá chỉ mang tính tham khảo, thị trường gỗ nguyên liệu biến động liên tục

– Giá gỗ Sồi đỏ

+ Giá gỗ Sồi đỏ tròn (nguyên cây)

Tương tự như gỗ sồi trắng, việc nhập khẩu gỗ sồi đỏ dạng tròn nguyên cây cũng có giá thành rẻ hơn. Phù hợp với các đơn vị sản xuất lớn sử dụng nhiều thường xuyên hoặc các đơn vị bán gỗ nguyên liệu. Giá bán gỗ sồi đỏ tròn nguyên cây thường rẻ hơn gỗ sồi trắng, cụ thể thì tùy từng tiêu chuẩn gỗ và số lượng nhập.

+ Giá gỗ Sồi đỏ xẻ xấy

Giá gỗ sồi Đỏ loại xẻ sấy sẵn nhập từ Mỹ (đã rong/bào cạnh)
Sồi đỏ loại dày 20mm 2 Com15tr/m3
Sồi đỏ loại dày 20mm 1 Com21tr/m3
Sồi đỏ loại dày 26mm 1 Com19tr/m3
Sồi đỏ loại dày 32mm 1 Com21tr/m3
Sồi đỏ loại dày 38mm 1 Com23tr/m3
Sồi đỏ loại dày 51mm 1 Com25tr/m3
Giá gỗ sồi Đỏ loại xẻ sấy tại Việt Nam (các cty trong nước tự xẻ xấy)
Sồi đỏ loại dày 20mm (2SC)15tr/m3
Sồi đỏ loại dày 20mm (4SC)17tr/m3
Các kích thước khác lớn hơn20 – 24tr/m3
Giá chỉ mang tính tham khảo, mỗi thời điểm và đơn vị bán lại khác nhau

Một số câu hỏi thường gặp

– Có bị mối mọt không?

Bất cứ loại gỗ tự nhiên nào cũng có thể bị mối mọt, chỉ khác nhau là ít hay nhiều, nhanh hay chậm (các cụ ta có câu “rau nào sâu đó”). May mắn là gỗ Sồi có một khả năng chống mối mọt khá tốt (dù không phải tuyệt đối), bởi trong thân gỗ, đặc biệt là phần lõi các nhà khoa học phát hiện thấy có chứa nhiều chất tinh dầu tanin. Chất này được chứng minh vừa chống mối mọt tốt vừa mang tới mùi thơm nhẹ dễ chịu.

Tuy nhiên không có gì là mãi mãi, theo thời gian thì hàm lượng chất tanin cũng giảm đi, cộng với sự tác động của môi trường cũng sẽ làm biến đổi và giảm khả năng chống mối mọt của gỗ… Nhất là khi đồ nội thất sử dụng loại gỗ nguyên liệu không đạt chuẩn, có độ ẩm cao. Vì vậy gia chủ cần hạn chế nước tiếp xúc, kê đồ ở nơi khô thoáng, sơn phủ lại bề mặt khi bị trầy xước hay bay mờ sau nhiều năm sử dụng…

– Nội thất làm từ gỗ Sồi có bền không?

Một bộ bàn ghế phòng khách gỗ sồi làm từ nguyên liệu tốt và sản xuất đúng quy chuẩn có thể bền trên 20 năm hoặc hơn. Giường ngủ gỗ Sồi có thể còn bền lâu hơn thế nữa. Tuy nhiên với tủ áo, tủ bếp gỗ sồi thì thường có độ bền ngắn hơn (do bản gỗ mỏng, dạng cánh, mở đóng nhiều…), nhưng trung bình 10-15 năm vẫn thoải mái.

Khả năng chống mối mọt hay độ bền của nội thất gỗ sồi cũng phụ thuộc rất lớn vào công đoạn chế biến và đóng đồ. Thực tế cho thấy gỗ nhập khẩu dạng thành khí (đã xẻ thành thanh, thành tấm và tẩm sấy đạt chuẩn về độ ẩm) thường có độ bền tốt hơn là loại gỗ tròn nguyên cây nhập về trong nước để các xưởng tự xẻ sấy, phơi nắng mưa. Trong quá trình đóng nội thất nếu được giáp bóng cẩn thận và sơn phủ đạt chuẩn thì cũng tăng độ bền rất nhiều. Và môi trường sử dụng cũng rất quan trọng, nếu nội thất gỗ sồi đặt trong phòng ẩm ướt thì vẫn nhanh hỏng (gỗ gì cũng vậy), còn trong môi trường khô thoáng thì độ bền cao hơn đáng kể.

Sau quá trình dùng tầm 5-10 năm tùy loại tùy nhà, lớp sơn phủ ngoài có thể mỏng, bay màu, bị trầy xước. Khi đó bạn nên thuê thợ giáp bóng và sơn phủ lại. Vừa giúp đồ nội thất đẹp như mới và tăng độ bền chắc.

Hình ảnh và giá bán gỗ sồi nguyên liệu dạng xẻ sấy
Gỗ sồi nguyên liệu đã xẻ xấy, phân loại

– Một số lưu ý khi mua gỗ hay dùng nội thất gỗ sồi

+ Sẽ quá khó để bạn phân biệt gỗ sồi trắng/đỏ/tần bì/nga/mỹ…nhất là khi sản phẩm đã hoàn thiện và sơn phủ. Vậy nên muốn mua gỗ chuẩn thì nên mua của đơn vị uy tín, xem hóa đơn và xuất xứ nhập khẩu, yêu cầu người bán đưa ra cam kết…

+ Gỗ sồi tốt và bền cần được tẩm sấy đúng cách và đạt tiêu chuẩn, độ ẩm tối ưu là dưới 20%. Ở mức này, nấm mốc hại gỗ không thể phát triển, hạn chế mọt và cong vênh đồ nội thất về sau. Các loại gỗ nhập khẩu dạng thành khí (xẻ sấy từ nước ngoài nhập về) thường đạt mức chuẩn này. Còn hàng gỗ tròn nguyên khối (gỗ cây) các đơn vị Việt Nam nhập về để tự xẻ sấy thì không phải đơn vị nào cũng sấy đạt tiêu chuẩn. Thậm chí nhiều xưởng nhỏ chỉ đơn giản là xẻ và mang phơi nắng mưa vài tháng rồi đóng đồ.

+ Trong gỗ sồi có chất tannin có phản ứng hoá học với muối sắt và nước. Người đóng nội thất nên dùng đinh mạ kẽm thay vì đinh vít sắt để đảm bảo cho đồ đạc của nhà mình được bền bỉ hơn.

+ Đồ nội thất gỗ sồi để tự nhiên sẽ bị sỉn bị thâm màu, do chất tannin phản ứng với muối sắt trong môi trường không khí ẩm có nước. Vì vậy nội thất làm từ gỗ sồi cần sơn phủ cẩn thận, cũng nên kê ở nơi khô thoáng, tránh ẩm, tránh nước tiếp xúc…

+ Dù gỗ sồi khá mềm, dẻo, bám vít tốt…nhưng với các kết cấu cần đinh vít lớn thì bạn nên khoan mồi trước khi bắn vít. Làm vậy để tránh nứt thớ gỗ hay vỡ toác.

+ Vì độ co rút lớn nên gỗ dễ bị biến dạng, co rút khi khô hanh, nhất là khi sản phẩm làm từ gỗ nguyên liệu còn độ ẩm cao.

+ Mối, mọt, bọ gỗ…khó tấn công nội thất gỗ sồi trong gian đoạn mới (vì gỗ có chất tanin), nhưng sau thời gian dài nhiều năm sẽ khó tránh tuyệt đối. Bạn nên kiểm tra thường xuyên chân và gầm ghế để phòng tránh kịp thời.


Trên đây TOPnoithat đã giới thiệu quý khách tham khảo những thông tin về gỗ sồi tự nhiên và các ứng dụng của nó. Hy vọng quý khách cảm thấy hữu ích!

Xem thêm chủ đề liên quan

2 Comments

  1. […] Xem thêm: Gỗ Sồi: thông tin, đánh giá, ứng dụng và giá […]

  2. […] bắt chi tiết hơn về các thông tin liên quan đến gỗ sồi, hãy click ngay tại: Gỗ Sồi: thông tin, đánh giá, ứng dụng và giá […]

Trả lời

Check Also

Tổng kho vật liệu nội thất Lương Dung, 177 Trần Đăng Ninh TP Sơn La

Tổng kho Lương Dung tại 177 Trần Đăng Ninh – Tp Sơn La chuyên bán buôn vật liệu nội …