Home Tin tức Nội thất Kiến thức chuyên ngành Gỗ MDF là gì? được làm từ gì? quy trình sản xuất MDF

Gỗ MDF là gì? được làm từ gì? quy trình sản xuất MDF

Hình ảnh gỗ MDF mặt thô và mặt đã phủ Melamine

MDF là loại gỗ công nghiệp được dùng phổ biến nhất, nó vừa có giá thành rẻ, đa dụng, dễ chế tác…và nhiều ưu điểm nổi bật khác. Bài viết này Top Nội Thất sẽ giới thiệu chi tiết về loại gỗ này cũng như các thông tin hữu ích liên quan.


Gỗ MDF là gì?

  • Gỗ MDF là loại gỗ công nghiệp được tạo thành bởi các sợi gỗ xenlulo, kết hợp với chất kết dính chuyên dụng, được ép dưới nhiệt độ và áp lực để tạo thành các tấm. Thành phần chính của gỗ MDF là các sợi gỗ xenlulo (chiếm khoảng 75%), được tạo thành bằng cách xay nghiền các cây gỗ (thường là gỗ tạp), gỗ tận dụng, mùn cưa…thành bột mịn dạng sợi. Ngoài ra còn có các loại sợi thực vật khác, ví dụ như bã mía, thân cây ngũ cốc,…đóng vai trò như chất độn.
  • MDF là chữ viết tắt của Medium Density Fibreboard, có nghĩa là ván sợi mật độ trung bình. Loại gỗ này lần đầu tiên được sản xuất tại Mỹ, sau đã được sản xuất phổ biến và ứng dụng rộng rãi trên toàn thế giới.
  • Đặc điểm nhận dạng của gỗ MDF khá dễ so với các dòng gỗ công nghiệp khác (như gỗ ván dăm, polywood…), đó là nó có cốt gỗ khá mịn dạng bột. Nếu vuốt tay lên mặt cạnh gỗ (mặt cắt, chưa sơn) có thể cảm nhận được rõ và thấy các bột mịn nhỏ dính ra tay. Tuy nhiên độ mịn của MDF và HDF (ván sợi mật độ Cao) là rất khó phân biệt.
  • Gỗ MDF thường có kích thước tiêu chuẩn, với bản rộng 1m22x2m44 hoặc 1m83x2m44 (ít thông dụng). Độ dày đa dạng từ 2-25ly (dày hơn cũng có, nhưng ít), ngoài ra với các chi tiết nội thất cần bản gỗ lớn có thể ghép dán nhiều tấm lại.
  • Mật độ trung bình của MDF thay đổi từ khoảng 500 đến 900 kg/m3.
Hình ảnh gỗ MDF
Hình ảnh gỗ MDF

Các loại gỗ MDF

Căn cứ theo cốt gỗ cũng như tính năng, có thể chia gỗ công nghiệp MDF thành 3 loại.

Gỗ MDF thường: thường có màu vàng nhạt, nâu nhạt, màu gỗ…là loại được dùng phổ biến nhất. Giá thành cũng là rẻ nhất trong các loại MDF. Tuy nhiên nó không có tính năng chống ẩm, cần sử dụng trong môi trường khô thoáng.

Gỗ MDF lõi xanh chống ẩm: giống như gỗ MDF thường nhưng được bổ sung chất kháng ẩm, loại này có cốt màu xanh đặc trưng nên còn được gọi là gỗ MDF lõi xanh. Dung dịch keo được pha thêm chất phụ gia đặc biệt giúp tăng độ kết dính, ngăn thấm nước và giãn nở các sợi gỗ… Gỗ lõi xanh chống ẩm vì vậy bền hơn đáng kể, thích hợp với khí hậu nóng ẩm của Việt Nam. Có thể dùng đóng các đồ nội thất dưới tầng trệt có độ ẩm cao, làm cửa nhà vệ sinh, tủ bếp, tủ Lavabo hay tủ âm tường, sàn nhà…

Gỗ MDF lõi đỏ chống cháy: thành phần gỗ giống như loại thường nhưng được bổ sung thêm thạch cao, xi măng và các chất phụ gia đặc biệt gia giúp chống cháy, chống bén lửa, chống lan…

MDF lõi xanh, lõi đỏ và loại thông thường
MDF lõi đỏ (chống cháy), MDF lõi xanh (chống ẩm) và MDF thông thường

Gỗ MDF có tốt không? Ưu và nhược điểm

Gỗ MDF là dòng gỗ công nghiệp được sử dụng nhiều nhất hiện nay. Từ cửa, sàn gỗ, tủ bếp, kệ tivi, mặt bàn ăn, giường, tủ áo, bàn trang điểm…đến các đồ nội thất văn phòng.

– Các ưu điểm nổi bật của gỗ MDF

+ Giá thành rẻ (rẻ hơn nhiều so với gỗ tự nhiên)

+ Dễ chế tác gia công: bề mặt gỗ nhẵn mịn, dễ dánh bóng và bám dính tốt sơn, dẽ dán lớp phủ, dán cạnh… Cưa cắt cũng dễ, gỗ mịn nên không lo bị mẻ.

+ Không lo mối mọt côn trùng

+ Ít bị cong vênh nứt vỡ như gỗ tự nhiên

+ Dễ áp dụng sản xuất công nghiệp quy mô lớn. Tấm gỗ có kích thước tiêu chuẩn lên dễ thiết kế và ứng dụng máy móc tự động.

+ Là xu hướng của vật liệu nội thất hiện tại và tương lai, số lượng nhiều, bảo vệ thiên nhiên.

Hình ảnh gỗ MDF mặt thô và mặt đã phủ Melamine
Hình ảnh gỗ MDF mặt thô và mặt đã phủ Melamine

– Nhược điểm

+ Có đặc trưng chung của gỗ công nghiệp là chống nước kém. Tuy nhiên hiện có loại gỗ MDF lõi xanh chống ẩm tốt, khắc phục được nhược điểm này.

+ Gỗ có độ dẻo dai thấp, khả năng chịu lực ngang kém…

+ Nhìn chung cách đồ nội thất làm từ gỗ công nghiệp MDF không thế chắc chắn và bền như gỗ tự nhiên. Kê cố định sẽ rất bền, nhưng vận chuyển xê dịch nhiều sẽ nhanh hỏng.


Gỗ MDF được làm từ gì?

Thành phần chính của gỗ công nghiệp MDF bao gồm: khoảng chừng 75% nguyên liệu được làm từ gỗ tự nhiên, 10 – 15% các loại keo kết dính, 5 – 10% nước và dưới 1% là các thành phần phụ gia khác như chất làm cứng, chất bảo vệ gỗ không bị mối mọt, trầy xước, Parafin…

+ Thành phần gỗ tự nhiên: để đảm bảo giá thành rẻ, gỗ được sử dụng để sản xuất ván MDF thường là cây gỗ tạp rừng trồng (như cao su, thông, keo, bạch đàn…), gỗ tận dụng (ngọn cây, đoạn thân cong queo, cành, gốc, rễ, mấu…), gỗ tái chế (bàn ghế nội thất gỗ tự nhiên bỏ đi, gỗ MDF hỏng dùng lại), gỗ vụn gỗ thừa từ các nhà máy chế biến gỗ và nội thất, mùn cưa, mùn bào gỗ, lõi gỗ bỏ đi sau khi đã bóc lạng… Ngoài ra còn có thể sử dụng các “chất độn” khác như bã mía, thân cây ngũ cốc

sợi gỗ bột gỗ sản xuất MDF
Gỗ là thành phần chính của gỗ MDF, nhưng thường là gỗ tạp và gỗ tận dung, được xay nghiền nhỏ thành bột, sợi…

+ Thành phần keo kết dính: Chất kết dính dùng để sản xuất gỗ MDF thường là nhựa dựa trên formaldehyde (UF). Nó thường chiếm khoảng 10 – 15% về trọng lượng và khoảng 15-25% về giá trị. Bởi vậy, mỗi một thay đổi nhỏ trọng lượng chất kết dính được sử dụng sẽ đều ảnh hướng nhiều đến giá thành và lợi nhuận của người sản xuất.

+ Thành phần nước: gỗ MDF được khuyến cáo có độ ẩm trong khoảng 5-10%, khô quá cũng không tốt, mà ẩm quá thì độ bền kém.

+ Các chất phụ gia khác: chiếm tỷ trọng không nhiều nhưng có vai trò rất quan trọng. Ví dụ như chất làm cứng, chất bảo vệ, chống mối mọt, chất chống ẩm, chất chống cháy, chất tạo màu,…


Quy trình sản xuất gỗ MDF (sơ lược)

Có 2 cách để sản xuất MDF là “quy trình ướt” và “quy trình bán khô”. Quy trình ướt tương tự như sản xuất giấy và do đó tạo ra rất nhiều nước ô nhiễm cần được xử lý trước khi thải bỏ, bởi vậy hiện không được áp dụng nhiều. Dưới đây Top Nội Thất sẽ giới thiệu các bước sản xuất gỗ MDF bằng quy trình khô (bán khô).

Về cơ bản gồm các bước: Ghiền gỗ tạo sợi, lọc phân loại => Rửa => Gia nhiệt nước => Hấp, tinh luyện, ép =>Pha trộn keo => Trải và cán đều => Ép sơ bộ => Ép nóng => Làm mát, tỉa, chà nhám, cắt thành tấm theo kích thước.

quy trình sản xuất gỗ MDF theo dây chuyền
Hình ảnh mô phỏng quy trình sản xuất gỗ MDF theo dây chuyền

Cụ thể:

– Bước 1: Ghiền gỗ

+ Từ gỗ nguyên liệu (cây gỗ, ngọn, cành, rễ, gỗ vụn, gỗ tái chế, mùn cưa, vụn bào…) sẽ được xay nghiền nhỏ thành dạng hạt. Các nhà máy thường dùng máy băm trống, máy phay nghiền…để thực hiện công đoạn này.

+ Các hạt được sàng để lọc riêng các hạt có kích thước quá nhỏ (dưới 2mm) hoặc hạt quá lớn (trên 50mm – đưa quay trở lại quá trình nghiền).

+ Lưu kho để ủ và bảo quản chờ thực hiện các bước sản xuất tiếp theo.

Mô phỏng quy trình xử lý và lưu kho nguyên liệu bột gỗ
Mô phỏng quy trình xử lý và lưu kho nguyên liệu bột gỗ

– Bước 2: Rửa

+ Đây là một bước bắt buộc trong quy trình sản xuất gỗ MDF, nhằm loại bỏ vỏ cây, đất, cát và các chất bẩn gây mài mòn khác.

+ Nước rửa có thể được làm nóng để giúp quá trình rửa nhanh và sạch hơn, loại bỏ tốt hơn các chất nhựa, cao su, vón cục.

+ Việc rửa với nước cũng giúp ích cho quá trình hấp và tinh tinh chế ở bước tiếp theo.

Hình ảnh mô phỏng máy móc và quá trình rửa nguyên liệu
Hình ảnh mô phỏng máy móc và quá trình rửa nguyên liệu

– Bước 3: Gia nhiệt nước, hấp, tinh luyện

+ Các hạt gỗ đã rửa được làm nóng đến 40-60 °C ở áp suất khí quyển trong thùng tăng áp để làm mềm các hạt, ép bớt nước thừa chứa trong nguyên liệu.

+ Hấp nguyên liệu: Các phoi nén và ép được làm nóng bằng hơi nước bão hòa ở 6-10 bar, tạo ra nhiệt độ bên trong 175 – 195 °C trong 3 đến 7 phút. Thời gian lưu giữ của nguyên liệu trong bộ gia nhiệt ảnh hưởng đến màu sắc và chất lượng sợi.

+ Tinh luyện: Các máy luyên tinh với đĩa ly tâm sẽ chuyển bột dăm gỗ thành dạng sợi và bó sợi.

– Bước 4: Pha trộn với dung dịch kết dính

Chất kết dính dùng để sản xuất gỗ MDF thường là nhựa dựa trên formaldehyde (UF) được bơm qua vòi phun ở áp suất cao (12-14 bar) vào dòng thổi với phụ gia, ví dụ như nước, chất làm cứng, chất bảo quả, tạo màu sắc, v.v.

Dung dịch kết dính sẽ được trộn đều với các sợi được chạy ra từ bộ tinh luyện xuống một đường thổi có áp suất cao. Tùy công nghệ sản xuất mà dung dịch có thể được trộn dạng phun thổi hoặc máy trộn hoặc kết hợp. Mục đích là để dung dịch kết dính phân bố đều lên mặt các sợi, tạo kết cấu cho gỗ MDF thành phẩm.

máy cán phẳng tạo hình trong sản xuất gỗ MDF
Mô phỏng máy cán phẳng tạo hình trong sản xuất gỗ MDF

– Bước 5: cán phẳng tạo hình

+ Trước tiên, hỗn hợp trộn (dẻo ướt) cần được chuyển qua một máy sấy khô, làm giảm độ ẩm của hỗn hợp nguyên liệu. Độ ẩm của hỗn hợp sợi sau khi sấy thường xấp xỉ 8 – 12%.

+ Hỗn hợp sợi sau sấy (có thể cần làm tơi, tránh vón cục) được đưa qua hệ thống máy rải nhằm trải đều hỗn hợp sợi (không phân lớp) lên một hệ thống đai chuyển động liên tục.

+ Độ dày mỏng của ván MDF cũng được quyết định ở bước này. Máy rải được trang bị thùng định lượng với cân trọng lượng, kết hợp điều khiển tốc độ chảy ra, để tạo độ dày mỏng của gỗ MDF theo nhu cầu sản xuất. Ngoài ra còn có bộ phận thanh gạt cào bằng và các trục cán.

Ví dụ: Để sản xuất 1 tấm ván MDF có độ dày 18mm thì lớp thảm thường có độ cao 680mm (tức, từ lớp thảm 680mm sau nén xuống thành 18mm).

– Bước 6: Ép

+ Ép sơ bộ: lớp thảm theo băng chuyền sẽ chuyển tới một máy ép sơ bộ nhằm tăng mật độ, giảm không khí có trong đó, ổn định kết cấu sơ bộ…sau đó chuyển qua máy sấy làm nóng.

+ Ép nóng: Máy ép nóng áp dụng sự kết hợp của nhiệt độ cao (180-210 °C) và áp suất (khoảng 0,5-5,0 MPa) để cố định tấm thảm và chuyển đổi nó sang MDF với kích thước và mật độ theo thiết kế.

– Bước 7: Hoàn thiện sản phẩm

Việc hoàn thiện đòi hỏi phải cắt tỉa, chà nhám và cắt theo kích thước…và lưu kho.

Ngoài ra có thể tạo các giá trị gia tăng khác cho gỗ MDF như sơn phủ, dán bề mặt…

Gỗ MDF sau khi sản xuất được xếp chồng và lưu kho
Gỗ MDF sau khi sản xuất được xếp chồng và lưu kho

Các ứng dụng chính

– Cửa gỗ MDF: với cửa chính và cửa các phòng bạn có thể dùng gỗ MDF lõi đỏ chống cháy, còn cửa phòng vệ sinh bạn nên làm gỗ MDF lõi xanh chống ẩm kết hợp dán phủ melamine hay Acrylic.

– Làm sàn gỗ bằng MDF: bạn cũng nên dùng loại gỗ lõi xanh và lớp phủ bề mặt tốt, giúp dễ lau chùi và bền.

– Tủ bếp gỗ MDF cũng rất được ưa thích, có thể dán lớp phủ bề mặt vân gỗ theo sở thích.

– Làm bàn ăn: thường dán phủ vaneer vân gỗ hoặc sơn (nên có thêm kính để chống xước và dễ lau chùi).

– Làm kệ tivi, bàn trà bằng gỗ MDF cũng rất chất luôn. Dễ chế tác các thiết kế hiện đại, giá thành rẻ, có thể sơn phủ các màu sắc theo sở thích hoặc dán lớp phủ bề mặt tạo các màu vân gỗ…

– Làm tủ giày dép bằng gỗ MDF

Tham khảo: Tủ giày dép, kệ sách gỗ MDF có tốt không? Giá tủ giày dép gỗ công nghiệp MDF

– Giường ngủ và đặc biệt là tủ quần áo, bàn trang điểm…bằng gỗ MDF rất được ưa chuộng.

Tham khảo: Tủ quần áo gỗ MDF có bền không? Mẫu tủ quần áo gỗ MDF đẹp

Giường ngủ gỗ công nghiệp MDF giá rẻ, thiết kế trẻ trung

– Bàn ghế văn phòng bằng gỗ MDF, thường là bàn giám đốc, trưởng phòng, bàn hợp cao cấp… Còn bàn nhân viên, bàn họp giá rẻ…thương hay dùng gỗ ván ép MFC rẻ hơn.

– Kệ trang trí, kệ sách, giá sách,…

– Tranh in gỗ cũng sử dụng nhiều gỗ MDF (dòng tranh treo tường được in ra giấy chuyên dụng và ép dán lên gỗ MDF).

– …


Trên đây Top Nội Thất đã giới thiệu quý khách tham khảo gỗ MDF là gì cùng nhiều thông tin hữu ích liên quan. Hy vọng bài viết có ích cho quý khách. Cảm ơn đã xem!

Xem thêm chủ đề liên quan

Trả lời

Check Also

Tổng kho vật liệu nội thất Lương Dung, 177 Trần Đăng Ninh TP Sơn La

Tổng kho Lương Dung tại 177 Trần Đăng Ninh – Tp Sơn La chuyên bán buôn vật liệu nội …